Mùa xuân hiện hữu trên vùng nông thôn là những vườn cây đơm hoa, những tuyến đường giao thông mới nối dài tới các bản làng, nhà mới mọc lên, những nhà văn hóa khang trang rộn tiếng trống, chiêng, rộng mở vòng xòe đoàn kết... Tất cả có được là nhờ sự phát huy sức mạnh tổng hợp từ ý Đảng, lòng dân trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mùa xuân năm nay có ý nghĩa đặc biệt với xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn khi vừa cán đích nông thôn mới cuối năm 2022. Ông Hoàng Công Dũng, Bí thư Đảng ủy xã, tự hào: Chương trình xây dựng nông thôn mới thực sự đã “thổi luồng sinh khí mới” cho người dân địa phương, đời sống bà con được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Nếu như hơn 10 năm trước, các tuyến đường giao thông giữa các thôn, bản đi lại còn khó khăn, hệ thống lưới điện chưa hoàn chỉnh, ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường còn hạn chế, thì giờ đây, xã Chiềng Mung đã khoác lên mình một chiếc áo mới. Riêng trong năm 2022, xã huy động trên 2.000 ngày công tham gia vệ sinh môi trường; chỉnh trang, sửa chữa nhà ở cho 290 hộ dân, mở rộng 8 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 6 km; xây dựng mới nhà văn hóa xã và 3 nhà văn hóa bản; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,3%.
Còn tại xã Mường Bon, địa phương về đích nông thôn mới năm 2018 và đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tản bộ trên tuyến đường bê tông đến thăm khu trồng rau VietGAP của HTX Du lịch nông nghiệp Mường Bon, điển hình trong lựa chọn định hướng phát triển của xã, ông Lò Văn Bưu, Phó Chủ tịch UBND xã kể: Khâu đột phá ở đây là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với dịch vụ ẩm thực. Toàn xã hiện trồng trên 55 ha rau màu các loại, sản lượng khoảng trên 4.000 tấn/năm; 3/5 HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh rau, củ, quả; 9 mô hình kinh doanh dịch vụ câu cá dã ngoại kết hợp ăn uống quy mô hộ gia đình...
Còn ông Tòng Văn Thu, Giám đốc HTX Du lịch nông nghiệp Mường Bon, khẳng định: Xây dựng nông thôn mới thì tư duy của nông dân cũng đổi mới, đó là sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, theo chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Như HTX chúng tôi hiện có 3.000 m² đất trồng rau theo hướng hữu cơ, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm, làm mái che để trồng cà chua, dâu tây, dưa chuột kết hợp với phục vụ tham quan, du lịch trải nghiệm gắn với phát triển các dịch vụ du lịch ẩm thực, mỗi năm thu khoảng 800 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với canh tác các loại rau truyền thống.
Theo quốc lộ 37 đến với huyện Phù Yên, chung vui với xã Tường Thượng, vinh dự là xã thứ 10 của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Đinh Xuân Yệt, Bí thư Đảng ủy xã Tường Thượng, cho biết: Xã đã tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các tiêu chí mà xã có thể tự lực, không cần nhiều vốn như: Tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, tiêu chí văn hóa, tiêu chí về môi trường. Phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đầu tư các công trình hạ tầng và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đón xuân mới, toàn tỉnh có thêm 5 xã: Chiềng Mung, huyện Mai Sơn; Tường Thượng, huyện Phù Yên; Mường Lầm, huyện Sông Mã; Nà Mường, huyện Mộc Châu và Tông Cọ, huyện Thuận Châu đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới lên 59 xã. Duy trì, giữ vững thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, được Thủ tướng Chính phủ công nhận từ năm 2019. Với sự quan tâm của các cấp, các ngành, huyện Quỳnh Nhai đang chung sức, đồng lòng xây dựng phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025; nhiều xã cũng đang thi đua cán đích nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao theo lộ trình đề ra.
Trong câu chuyện bên thềm năm mới, ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Xây dựng nông thôn là có điểm bắt đầu, không có điểm dừng và không có điểm kết thúc. Đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên và lâu dài, đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, tuyên truyền, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực cho nhân dân đảm nhận vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2023-2025, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Huy động tối đa các nguồn lực tham gia thực hiện chương trình; tập trung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt tại các xã phấn đấu đạt chuẩn theo kế hoạch. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 82 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 15 tiêu chí.
Xuân mới với những dự định mới về những đổi thay ở các xã nông thôn mới trong tỉnh, để các vùng quê Sơn La ngày càng trù phú, là những miền quê đáng sống của mỗi người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!