Những chuyển biến của chương trình xây dựng nông thôn mới

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện Yên Châu có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hệ thống hạ tầng cơ sở được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng cao.

Giọng nữ
Cán bộ xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, vận động nhân dân sản xuất rau, quả an toàn.

Năm 2023, Lóng Phiêng là xã biên giới đầu tiên của huyện Yên Châu hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Những tiêu chí khó đối với xã biên giới này để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là đường giao thông và thu nhập. Qua rà soát năm 2020, toàn xã có trên 20 km đường nội đồng tại 10 bản cần bê tông hóa. Mặt khác, xã phát động phong trào thi đua làm đường nội đồng giữa các bản làm đòn bẩy phát triển sản xuất nông nghiệp.

Dẫn chúng tôi thăm một số tuyến đường vừa được bê tông hóa đi vào các vườn cây ăn quả, anh Nguyễn Đức Mạnh, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng, nói: Từ năm 2022 đến nay, bản cứng hóa gần 6 km đường trục chính nội đồng, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng, 100% nhân dân tự đóng góp. Lợi ích làm đường nội đồng phục vụ việc chăm sóc, thu hái, vận chuyển nông sản được bà con trong bản đồng tình ủng hộ rất cao. Giờ đây, nhiều tuyến đường vào khu sản xuất đổ bê tông, mặt đường rộng 2,5m, có đường đi lại thuận tiện, nhiều hộ mua xe ô tô tải, chở vật tư nông nghiệp vào tận nương.

Ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng phấn khởi: Toàn xã bê tông hóa gần 17 km đường giao thông, 52,5 km đường trục chính nội đồng; tổng kinh phí trên 67 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng. Cùng với đó, phong trào thi đua xây dựng nhà văn hóa, công trình thủy lợi, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường được nhân dân hưởng ứng. Nhờ vậy, xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, giá trị sản xuất đất nông nghiệp bình quân đạt trên 85 triệu đồng/ha.

Nông dân xã Yên Sơn, huyện Yên Châu thu nhập cao từ trồng mận hậu.

Chiềng Pằn là xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Châu. Năm 2016, xã đã về đích nông thôn mới. Ông Phạm Văn Thảnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Pằn, chia sẻ: Với lợi thế về đất đai, nguồn nước, xã tuyên truyền, vận động bà con thâm canh gần 700 ha lúa, ngô lai. Đồng thời, cải tạo, trồng mới gần 500 ha cây ăn quả có giá trị hàng hóa, như: Xoài tròn, chuối, nhãn, mít, thanh long ruột đỏ. Ngoài ra, bà con còn trồng rau an toàn; phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Chiềng Pằn đã thành lập 6 HTX thực hiện tốt việc liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương. Đến nay, xã đạt 10/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của xã Chiềng Pằn, bản Chiềng Phú có 94 hộ, 380 nhân khẩu. Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong bản góp công sức, tiền của xây dựng tuyến đường bê tông nội bản dài 1,3 km. Ban quản lý bản vận động bà con lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, trồng cây xanh, đặt các điểm thu gom rác thải tập trung...

Tuyến đường nội đồng bản Yên Thi, xã Lóng Phiêng được bê tông hóa.

Ông Tạ Văn Thương, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Chiềng Phú, nói: Từ năm 2020 đến nay, bà con trong bản đóng góp gần 80 triệu đồng, hơn 1.000 ngày công lao động, hiến 1.200 m2 đất làm đường giao thông, kênh mương; xây các lò đốt rác thải theo nhóm hộ. Đến nay, thu nhập bình quân của bản đạt 45 triệu đồng/người/năm. Nhiều năm liền bản được công nhận danh hiệu bản văn hóa và về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2023.

Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa, góp phần thay đổi diện mạo của huyện Yên Châu. 100% tuyến đường huyện, liên xã được cứng hóa; 100% bản, tiểu khu có điện lưới quốc gia, các xã có nhà văn hóa, sân thể thao; trên 98% số người dân được sử dụng điện, nước sạch; huyện hoàn thành xóa nhà tạm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 20,2%... Những kết quả của chương trình xây dựng nông thôn mới là động lực, để huyện tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới