Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nhân dân xã Chiềng Ơn, huyện Quỳnh Nhai đã tập trung nuôi thủy sản trên lòng hồ, phát triển cây ăn quả trên đất dốc, góp phần nâng cao thu nhập, làm thay đổi diện mạo vùng quê nông thôn mới.
Chiềng Ơn có 6 bản với hơn 3.000 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Kháng, La Ha và Thái cùng sinh sống. Với địa bàn trải rộng dọc theo lòng hồ bên cầu Pá Uôn, từ nhiều năm nay, nhân dân xã Chiềng Ơn đã tận dụng diện tích mặt nước để nuôi thủy sản với gần 1.000 lồng cá của 26 hộ và 9 HTX với 99 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nuôi và chế biến thủy sản, tiêu biểu như: HTX thủy sản Hồ Quỳnh quy mô 200 lồng, HTX thủy sản Hợp Lực quy mô 200 lồng cá, HTX Phúc Đún quy mô 120 lồng... Sản lượng cá nuôi và thủy sản đánh bắt hàng năm của toàn xã đạt trên 700 tấn.
HTX thủy sản Hồ Quỳnh được thành lập từ năm 2014. Hiện nay, HTX đang duy trì gần 200 lồng cá với 9 thành viên. Trước đây, các thành viên của HTX nuôi nhiều loại cá khác nhau để đa dạng sản phẩm. Sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường, HTX chuyển hướng sang nuôi cá lăng chất lượng cao, nuôi theo quy trình an toàn. Anh Lò Văn Sơn, Phó Giám đốc HTX thủy sản Hồ Quỳnh, cho biết: Thời gian nuôi phải từ 18 tháng trở lên, đạt tiêu chuẩn từ 2 kg/con mới xuất bán ra thị trường. Trung bình mỗi lứa, HTX xuất bán khoảng 180 tấn cá lăng, tiêu thụ chủ yếu cho các cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội và ngoại tỉnh, đem lại nguồn thu nhập mỗi năm từ 200-700 triệu đồng/thành viên.
Vài năm trở lại đây, những diện tích đất đồi trước đây trồng ngô, sắn đã được nhiều hộ dân trong xã Chiềng Ơn chuyển sang trồng nhãn, xoài, dứa... Chị Điêu Thị Hằng, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Huổi Ná, thông tin: Bản có trên 70 ha cây ăn quả, hơn 22 ha dứa nguyên liệu, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm, tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ... Nhờ vậy, đời sống của nhân dân từng bước ổn định.
Chiềng Ơn hiện có gần 240 ha cây ăn quả các loại, trong đó, 160ha đã cho thu hoạch, tập trung ở các bản Huổi Ná, Đán Đăm, Đồng Tâm. Cây ăn quả đã giúp nhiều hộ thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Chị Lò Thị Hoàng, bản Đán Đăm, chia sẻ: Gia đình tôi có 1,5 ha nhãn, xoài và 900 m2 dứa queen. Sau 3 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch, trừ chi phí, mỗi năm, vườn cây cho thu hơn 100 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Thiên, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ơn, cho biết: Cấp ủy, chính quyền xã Chiềng Ơn tuyên truyền, khuyến khích nhân dân tận dụng mọi điều kiện thực tế để phát triển các mô hình kinh tế phù hợp. Tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp triển khai những mô hình, dự án phát triển sản xuất tại địa phương theo đúng định hướng, mục tiêu của huyện; tạo điều kiện để nhân dân được vay vốn ưu đãi khi chuyển đổi cây trồng, con nuôi, giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng thu nhập bình quân của nhân dân trong xã đạt 39 triệu đồng/người/năm.
Đến Chiềng Ơn hôm nay, cảm nhận rõ sự thay đổi hiện diện trong màu xanh của những triền đồi trồng cây ăn quả dọc theo lòng hồ. Những nếp nhà sàn khang trang, kiên cố được dựng lên bên những con đường bê tông dẫn vào bản. Cuộc sống nơi đây đang từng ngày ổn định, bà con cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương thêm đổi mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!