Với phương châm “Lấy sức dân làm đẹp cho dân”, thông qua công tác tuyên truyền, vận động và xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Mai Sơn đã tạo được sự đồng thuận, chung tay của nhân dân. Môi trường được cải thiện, những con đường xanh, sạch, đẹp được hình thành là thành quả nhờ công tác dân vận khéo trong bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan chung.
Năm 2022, xã Chiềng Mung được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, để giữ vững danh hiệu này, xã tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, trong đó, tiêu chí môi trường được quan tâm hàng đầu, bởi đây là tiêu chí “động”, phải duy trì thực hiện thường xuyên. Đồng chí Đào Công Dũng, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Trước đây, nhận thức của một bộ phận người dân về đảm bảo vệ sinh môi trường còn hạn chế, tình trạng xả rác và nước thải bừa bãi vẫn còn xảy ra. Trong khi đó, xã lại chưa có hệ thống tiêu thoát nước thải, chưa thành lập được tổ dịch vụ thu gom rác thải. Vì vậy, Đảng ủy xã chỉ đạo các đoàn thể cùng vào cuộc, xây dựng những mô hình nhằm thay đổi nhận thức của người dân.
Đảng ủy xã Chiềng Mung đã ban hành kế hoạch tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, thành lập 7 tổ công tác phụ trách các thôn, bản; huy động nhân dân đóng góp ngày công tham gia vệ sinh môi trường; đào trên 160 hố rác; khơi thông cống rãnh dọc các tuyến đường; vận động các hộ đưa gia súc, gia cầm khỏi gầm sàn... Tổ chức ký cam kết không xả thải ra môi trường đối với các hộ sản xuất và sơ chế cà phê; kiên quyết xử lý đối với các hộ gây ô nhiễm. Đồng thời, đề xuất với UBND huyện có biện pháp xử lý nghiêm, chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến khi chưa có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn. Nhờ đó, môi trường của xã được cải thiện rõ rệt.
Là một trong những hộ thực hiện sơ chế cà phê của xã Chiềng Mung, ông Nguyễn Xuân Long, thôn Hoàng Văn Thụ, chia sẻ: Sau khi được xã tuyên truyền về các biện pháp bảo vệ môi trường, gia đình tôi đã đầu tư 200 triệu đồng xây dựng bể chứa nước thải lót bạt HDPE. Nước thải sau khi thu gom vào bể chứa sẽ được xử lý bằng men vi sinh, sau đó được sử dụng tưới cho cây trồng.
Còn tại Chiềng Sung, thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao vào năm 2025, xã đã tập trung duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường. Định kỳ vào thứ 4 và chủ nhật hàng tuần, xe của tổ thu gom rác thải xã đến các khu dân cư, điểm tập kết rác để gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt đến bãi tập trung.
Ông Tòng Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung, cho biết: Xã đã vận động, tuyên truyền mỗi hộ gia đình trang bị ít nhất 2-3 thùng rác để phân loại; đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Vận động nhân dân đóng góp kinh phí chi trả cho tổ thu gom, xử lý rác thải và mua sắm các thùng chứa rác đặt tại các điểm dân cư. Đến nay, xã có gần 1.000 hộ dân ở 7 bản tham gia đóng góp thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt tập trung. Còn với các bản và các hộ chưa đủ điều kiện tham gia, xã tuyên truyền, vận động đào hố rác tại gia đình, tự phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Qua việc triển khai các mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải, nước thải đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Bên cạnh việc duy trì thực hiện “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, huyện Mai Sơn đã thành lập tổ công tác chung tay phân loại, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình (Tổ công tác 822) gắn với mục tiêu 3 sạch (sạch bếp, sạch nhà, sạch ngõ).
Cùng với đó, huyện Mai Sơn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại gia đình; trồng hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp; thường xuyên tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường để nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch, quy chế thu gom, xử lý rác thải, hướng dẫn các bản xây dựng hương ước, quy ước đối với công tác bảo vệ môi trường; tăng cường kiểm tra việc chấp hành tiêu chí môi trường của các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Đồng chí Lò Lệ Thu, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Mai Sơn, Tổ trưởng Tổ công tác 822, cho biết: Tổ công tác đã ban hành kế hoạch, phấn đấu 100% hộ ký cam kết thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình; mỗi gia đình có một nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định; đưa gia súc ra khỏi gầm sàn, cải tạo không gian thoáng, sạch; mỗi xã, thị trấn xây dựng được ít nhất 1 mô hình tiêu biểu về phân loại rác thải sinh hoạt.
Sau một năm triển khai, huyện Mai Sơn đã xây dựng trên 100 mô hình phụ nữ chung tay, phân loại thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt ngay từ hộ gia đình, với trên 7.500 hội viên phụ nữ tham gia; 5 mô hình tổ thu gom rác tự nguyện của Hội CCB; 19 công trình thanh niên; thực hiện duy trì thu gom rác thải sinh hoạt tại 9 xã; 8 xã thực hiện xã hội hóa công tác thu gom rác thải sinh hoạt... Đến nay, toàn huyện có 96,3% số hộ gia đình ký cam kết phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình; 70,5% số hộ gia đình có một nhà bếp, nhà tắm, nhà vệ sinh đảm bảo theo quy định; 81% số hộ đã đưa gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn...
Với những kết quả tích cực đạt được trong công tác bảo vệ môi trường, gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Mai Sơn tiếp tục chỉ đạo các địa phương, đoàn thể nhân rộng những mô hình hiệu quả; đồng thời, xây dựng thêm các mô hình mới nhằm tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sinh hoạt, sản xuất, góp phần giữ gìn môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!