Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, sau hơn một giờ đi xe máy trên cung đường lắm cua, nhiều dốc, chúng tôi đến trung tâm xã Mường Lèo. Sau những trận mưa cuối tháng 4, nhân dân trong xã đang lên nương trồng lại diện tích ngô, sắn bị hạn do đợt nắng nóng kéo dài vừa qua.
Chuyển công tác từ xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp năm 2010, về xã biên giới Mường Lèo, ông Lò Văn Dung, Phó Chủ tịch UBND Mường Lèo, nhớ lại: Lần đầu tiên đến đây, đường giao thông chưa được nhựa hóa, còn nhiều nhà lớp học tạm bợ, trạm y tế xuống cấp, điện mới đến được khu vực trung tâm xã. Nay khác nhiều rồi, con đường từ trung tâm huyện Sốp Cộp vào xã đã được rải nhựa khang trang, hệ thống điện, trạm y tế, trường học, nước sinh hoạt… được Nhà nước đầu tư xây dựng; nhiều mô hình kinh tế đã và đang được nhân rộng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Cùng tiếp chuyện chúng tôi, ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo, chia sẻ: Hiện nay, toàn xã có trên 15 km đường bê tông. 100% các bản có đường ô tô đến bản. 10/13 bản có nhà văn hóa; 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 85% số người dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, đang được đầu tư xây dựng 2 công trình nước sinh hoạt tại bản Chăm Hỳ, Nậm Khún. Trạm Y tế xã mới được đầu tư xây dựng, đầu tư trang thiết bị y tế. Các y, bác sỹ thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Với quyết tâm vượt khó bằng phát huy nội lực và thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhân dân trong xã duy trì thâm canh trên 588 ha lúa xuân, lúa mùa và nương định canh, trồng 57 ha ngô, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt hơn 1.200 tấn/năm. Ngoài ra, còn trồng 138 ha sắn, sản lượng trên 1.400 tấn/năm. Từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình 30a, 135, nông thôn mới... Mường Lèo vận động nhân dân chuyển đổi đất nương, dốc sang trồng 129 ha cây cam, sơn tra, xoài, năm 2022 sản lượng đạt gần 130 tấn quả các loại.
Tận dụng những đồng cỏ, bãi chăn thả rộng lớn, xã khuyến khích nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, nuôi bán chăn thả. Bà con đã trồng trên 150 ha cỏ phục vụ chăn nuôi. Hiện nay, xã có hơn 5.200 con trâu, bò; gần 700 con dê; trên 2.000 con lợn. Nhiều mô hình nuôi trâu, bò sinh sản thành công, mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Vừ Sếnh Hờ, bản Huổi Lạ, hiện nay có hơn 30 con bò, chủ yếu nuôi bán chăn thả trên đồi. Trung bình mỗi năm ông bán hơn chục con bò, thu trên 300 triệu đồng. Ông Hờ bảo: Trước đây, gia đình tôi trồng ngô, sắn năng suất thấp, cuộc sống khó khăn lắm. Bây giờ khác rồi, có đường giao thông thuận tiện, nên sản phẩm chăn nuôi được thương lái tìm đến tận nhà thu mua, cuộc sống khấm khá hẳn lên.
Ở bản Mạt có mô hình nuôi hoẵng sinh sản của gia đình ông Lường Văn Hặc đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông tự tìm hiểu, nghiên cứu tập tính của loài vật này và xây dựng chuồng trại đầu tư chăn nuôi. Đồng thời, được Hạt Kiểm lâm huyện hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nuôi và được cấp phép. Đến nay, gia đình ông đã xuất bán hơn 20 con hoẵng giống về các tỉnh Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang... với giá 30-40 triệu đồng/đôi hoẵng giống 6 tháng tuổi. Hiện nay, gia đình ông đang nuôi 8 con hoẵng.
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế, nhân dân Mường Lèo luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội từng bước được xóa bỏ. Qua bình xét hằng năm, xã có 67% số hộ được công nhận gia đình văn hóa; 6/13 bản đạt danh hiệu bản văn hóa; 100% số trẻ trong độ tuổi được đến trường...
Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội, cùng với an ninh chính trị, an ninh biên giới và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đã giúp nhân dân xã Mường Lèo tiếp tục yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!