Khởi sắc diện mạo nông thôn mới

Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đồng thuận của nhân dân các dân tộc, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 ở tỉnh ta đã và đang đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo các vùng nông thôn trong tỉnh ngày càng đổi mới, kinh tế và đời sống của người dân đang ngày được nâng cao.

Người dân xã Mường Bú (Mường La) đóng góp ngày công đổ bê tông đường nội bản.

Xác định đây là chương trình trọng điểm, đột phá, thúc đẩy phát triển KT-XH, từ khi triển khai thực hiện, tỉnh ta đã thành lập, kiện toàn 3.330 Ban phát triển bản hoặc Ban xây dựng nông thôn mới bản, tiểu khu; 188 xã có Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới; các huyện, thành phố thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia hoặc duy trì Ban chỉ đạo nông thôn mới để xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Hằng năm, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cán bộ phụ trách cơ sở, xây dựng lực lượng nòng cốt tuyên truyền, phổ biến cơ chế chính sách, cách làm hay, mô hình hiệu quả... Đặc biệt, trên cơ sở chủ trương, cơ chế, chính sách pháp luật của Nhà nước, tỉnh đã cụ thể hóa, ban hành các hướng dẫn, nghị quyết và quyết định trong công tác xây dựng nông thôn mới phù hợp với thực tiễn theo từng giai đoạn, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy định của Trung ương, phát huy hiệu lực, hiệu quả cao.

Để huy động tối đa các nguồn lực, ngoài nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ, các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, huy động nội lực trong nhân dân đóng góp công lao động, vật liệu xây dựng, tiền mặt và hiến đất; huy động các nguồn lực từ  đơn vị, doanh nghiệp và xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn các xã khó khăn. Giai đoạn 2011-2019, tổng huy động mọi nguồn vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh là 76.496 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức và nhân dân đóng góp 2.055 tỷ đồng, chủ yếu thi công các tuyến đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa, trạm y tế xã...; toàn tỉnh đã đổ bê tông hơn 4.400 tuyến đường nội bản, tổng chiều dài trên 950 km, kinh phí đầu tư gần 1.000 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt, vật liệu xây dựng, ngày công lao động và hiến đất quy đổi trị giá trên 677,5 tỷ đồng, chiếm 67,8% tổng kinh phí huy động.

Trong quá trình triển khai, các địa phương đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí nông thôn mới gắn với phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững. Các huyện, thành phố tuyên truyền, vận động, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để giảm chi phí, sức lao động, nâng cao năng suất, giá trị trên cùng đơn vị canh tác. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng cây ăn quả, rau an toàn, vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, tăng cường liên kết sản xuất hàng hóa kết hợp phát triển nông thôn, tạo chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn. Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường cũng được nâng lên đáng kể... Năm 2018, thu nhập bình quân đạt 36,8 triệu đồng/người/năm, tăng 1,42 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo còn 25%, giảm 2,56% so với năm 2015; đã có 26 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã; 9 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 43 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 110 xã đạt 5-9 tiêu chí, giảm 164 xã thuộc nhóm khó khăn (từ 1-4 tiêu chí) và xóa 18 xã chưa đạt tiêu chí nào; 87,23% số xã đạt tiêu chí về thủy lợi; 74,46% xã đạt tiêu chí về giao thông; 79,25% xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 100 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm; 68,61% xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất; 61,17 xã đạt tiêu chí về giáo dục đào tạo; 64,26% số xã đạt tiêu chí về y tế... 

Mục tiêu đặt ra từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 50% số xã đạt 10 tiêu chí trở lên về nông thôn mới; bình quân 13,5 tiêu chí/xã; 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân khu vực nông thôn 30 triệu đồng/người/năm; 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, đáp ứng cơ bản các dịch vụ thiết yếu; Thành phố hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu, tỉnh ta tiếp tục tăng cường huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn thiết yếu, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân nông thôn; triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, nội dung lồng ghép vào các chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh để tích hợp thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; rà soát, đánh giá thực hiện các chính sách hiện hành về xây dựng nông thôn mới, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các chính sách không phù hợp; tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân các dân tộc nhân dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới