Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong huy động sức dân, góp phần hoàn thành các tiêu chí theo đúng tiến độ đề ra, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Điểm nổi bật trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến nay là việc xây dựng mô hình bản nông thôn mới, bản nông thôn mới kiểu mẫu. Các mô hình mẫu này là điểm nhấn cho từng địa phương; đồng thời khuyến khích các địa phương khác trong tỉnh tham gia xây dựng thôn, bản nông thôn kiểu mẫu.
Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo bản Mứn Đoàn Kết, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn đã có nhiều thay đổi. Các tuyến đường nội bản, đường ngõ được bê tông hóa và được trồng hoa hai bên; nhân dân góp sức tu sửa nhà văn hóa bản, xây dựng thêm sân thể thao.
Ông Hoàng Văn Nhiến, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mứn Đoàn Kết, cho biết: Để tạo được sự đồng thuận, chung tay góp sức của người dân, chi bộ và các đoàn thể của bản đã tích cực tuyên truyền cho nhân dân hiểu về ý nghĩa, lợi ích khi thực hiện xây dựng nông thôn mới. Thành lập 7 nhóm liên gia tự quản và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các nhóm đôn đốc các gia đình triển khai thực hiện. Từ năm 2022 đến nay, bản đã huy động nhân dân đóng góp trên 250 triệu đồng để xây dựng các công trình phục vụ đời sống và sản xuất.
Bản Văn Minh, xã Mường Bú, huyện Mường La, là bản đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Đặng Văn Lâm, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, cho biết: Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, Chi bộ bản đã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể tuyên truyền, thống nhất thực hiện. Đặc biệt, việc nào khó thì cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu làm trước. Tuân thủ nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch, từ năm 2020 đến nay, nhân dân trong bản đóng góp trên 1,2 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí để đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã nông thôn mới trên toàn tỉnh lên 59 xã, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 13 thôn, bản nông thôn mới, 8 bản nông thôn mới kiểu mẫu. Giai đoạn 2023-2025, dự kiến tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng nông thôn mới gần 81.000 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 255,5 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đối ứng 544,8 tỷ đồng; vốn tín dụng 54.900 tỷ đồng; huy động doanh nghiệp, cộng đồng dân cư 3.458 tỷ đồng và vốn ngân sách nhà nước lồng ghép từ chương trình, dự án khác 21.754 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 gồm nhiều tiêu chí được điều chỉnh; mức độ đạt chuẩn của một số chỉ tiêu, tiêu chí cao hơn so với giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La có 125 xã khu vực III, 6 xã khu vực II và 57 xã khu vực I. Trong đó, mục tiêu phấn đấu xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023-2025, chủ yếu là xã khu vực III, số bản đặc biệt khó khăn của các xã còn chiếm tỷ lệ lớn, tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao, tiêu chí thu nhập chưa bền vững.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh ta tập trung duy trì thành phố Sơn La hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng huyện Quỳnh Nhai đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh có 83 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3-5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; có 41 bản đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, thực hiện mục tiêu đề ra, tiếp tục phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động tối đa các nguồn lực, nhất là sự hưởng ứng của nhân dân, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tham gia xây dựng nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!