Năm 2023, toàn tỉnh có 6 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, bên cạnh sự chủ động, chung sức của người dân, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cũng triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ các xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch.
Xã Chiềng La, huyện Thuận Châu, là địa phương đăng ký về đích nông thôn mới năm nay. Cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể; hằng tuần, tổ chức “Ngày về cơ sở xây dựng nông thôn mới”, tuyên truyền, hướng dẫn người dân và cùng tham gia thu gom rác thải, xây dựng cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp tại các bản. Đến nay, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí; đang tập trung thực hiện 8 tiêu chí chưa đạt, gồm: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, nhà ở, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.
Ông Lò Văn Hỏa, Chủ tịch UBND xã Chiềng La, thông tin: Đối với các tiêu chí chưa đạt, xã tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng tâm, trọng điểm. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân. Chú trọng huy động nguồn lực đóng góp trong nhân dân; lấy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân làm nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện các tiêu chí khác.
Cùng với xã Chiềng La, từ đầu năm đến nay, nhân dân 5 xã: Chiềng Pha, huyện Thuận Châu; Lóng Phiêng, Sặp Vạt, huyện Yên Châu; Ngọc Chiến, huyện Mường La; Mường Sai, huyện Sông Mã cũng tích cực chung tay, góp sức thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới. 9 tháng qua, nhân dân các xã đã hiến hơn 1.000 m2 đất; đóng góp hàng nghìn ngày công lao động, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới... Đến nay 6 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023 đã đạt từ 11-15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương đang tập trung hoàn thiện các tiêu chí khó, như: Thu nhập, giao thông, cơ sở văn hóa, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm... Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần cải thiện, nâng cao thu nhập cho người dân. Vận động nhân dân tiếp tục vệ sinh môi trường, chỉnh trang nhà cửa, thu gom rác thải tập trung; thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương...
Bà Hoàng Thị Thu Hiền, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo, rà soát, đánh giá lại toàn bộ các xã đã đạt chuẩn trong giai đoạn trước. Tổ chức các đoàn công tác đi thẩm định các tiêu chí; qua đó, giúp các địa phương thấy rõ những chỉ tiêu, tiêu chí còn thiếu, yếu và có hướng khắc phục cụ thể. Đề nghị các sở, ngành, địa phương thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các xã phấn đấu đạt chuẩn trong năm; huy động tối đa các nguồn lực; lồng ghép, bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được phân cấp theo quy định. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu chưa đạt để sớm đưa các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra.
Đến nay, tỉnh đã hoàn thành phân bổ nguồn vốn được giao cho các chương trình, dự án theo quy định để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí trên 206 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 159 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 47 tỷ đồng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành liên quan cùng sự chung tay, góp sức của người dân, việc triển khai xây dựng xã nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn tỉnh đang đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình. Tin tưởng, các xã sẽ hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!