Trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại huyện Yên Châu, các mô hình hợp tác xã, nhất là hợp tác xã nông nghiệp đã phát huy vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, liên kết bao tiêu nông sản, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thành lập tháng 7/2020, Hợp tác xã nông sản bản địa Noọng Piêu, xã Phiêng Khoài khẳng định được uy tín với sản phẩm mận hậu sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nâng cao chất lượng mận hậu tại địa phương, bước đầu tạo dựng thương hiệu “mận Ruby” được người tiêu dùng ưa chuộng. Với tổng diện tích mận hậu lên tới 46 ha (31,5 ha mận được cấp mã số vùng trồng). Từ những gốc mận trước đây, thành viên HTX nông sản bản địa Noọng Piêu cắt tỉa cành, giảm số lượng quả để chăm sóc kỹ hơn về dinh dưỡng; tăng cường phòng trừ sâu bệnh bằng phương pháp sinh học; lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục để bón cho mận hậu. Quy hoạch vùng sản xuất, tạo các sản phẩm khác nhau, như vùng mận VIP, cho ra quả có size 10-12 quả/kg, gọi là “mận Ruby”, có giá bán cao gấp 6-8 lần loại thông thường; vùng mận chín sớm; vùng mận chín muộn... đáp ứng yêu cầu thị trường.
Chị Bùi Phương Thanh, Phó Giám đốc HTX nông sản bản địa Noọng Piêu, cho biết: Nhận thấy nhu cầu của người dân về thực phẩm sạch, an toàn ngày càng cao và từ những chủ trương, chính sách của tỉnh về thành lập HTX kiểu mới, tôi đã cùng các chị em, bạn bè có kinh nghiệm về trồng trọt tại địa phương góp vốn thành lập HTX với cây trồng chủ lực là mận hậu. Từ năm 2021, HTX đã hợp tác với Công ty cổ phần BIO FARM Việt Nam áp dụng thử nghiệm trồng mận hậu theo hướng hữu cơ. Sau hơn 1 năm trồng và chăm sóc, toàn bộ diện tích mận hậu của HTX phát triển tốt.
Không chỉ chủ động kết nối tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh, HTX còn mở rộng tiêu thụ tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch, như AEON MALL, hệ thống cửa hàng Kingfood, BigC Sài Gòn; ký hợp tác tiêu thụ sản phẩm với Bưu điện các tỉnh và hệ thống bán hàng trực tuyến Sendo... Năm 2022, HTX tiêu thụ 300 tấn mận cho người dân trên địa bàn; thu nhập bình quân của các thành viên đạt từ 400-600 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động địa phương với mức tiền công 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, HTX đang hợp tác cùng Công ty cổ phần FOSACHA xuất khẩu “mận Ruby” sang thị trường EU trong năm nay.
HTX Tây Bắc, bản Huổi Hẹ, xã Viêng Lán, mới thành lập nhưng với sự đầu tư bài bản, luôn coi trọng chất lượng sản phẩm, HTX bước đầu xây dựng thành công thương hiệu tỏi đen. Hiện nay, HTX Tây Bắc có 15 lò ủ sấy tỏi, với công suất 1,5 tấn/lò. Mỗi năm chế biến trên 30 tấn tỏi tươi, thành phẩm 15 tấn tỏi đen, với giá bán trung bình 600 nghìn đồng/kg, cho doanh thu trên 3 tỷ đồng; tạo việc làm cho 6 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng. Năm 2020, sản phẩm tỏi đen của HTX được công nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh. Ngoài sản phẩm chủ lực là tỏi đen, HTX nghiên cứu sản xuất rượu tỏi đen, mật ong ngâm tỏi đen, chè Shan tuyết cổ thụ Ôn Ốc, hoa đu đủ đực sấy... góp phần giới thiệu, nâng tầm thương hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương.
Chị Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX chia sẻ: Tỏi vốn được trồng nhiều trên địa bàn huyện, với sản lượng khá lớn, tôi đã vận động một số người bạn cùng đầu tư lò ủ để sản xuất tỏi đen. Sản phẩm tỏi đen được sản xuất từ nguyên liệu tỏi một nhánh của địa phương, sau khi sấy khô có vị ngọt, dẻo hơn các nơi khác, đặc biệt có thể bảo quản trong 2 năm.
Mô hình HTX nông nghiệp đã góp phần phát triển kinh tế của huyện Yên Châu. Các HTX mạnh dạn đầu tư vốn sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều sản phẩm nông nghiệp được công nhận nhãn hiệu hàng hóa, có tem truy xuất nguồn gốc và trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh; được thị trường tiêu thụ ổn định và trở thành nông sản xuất khẩu.
Ông Lù Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Đến nay, toàn huyện có 64 HTX, với trên 800 thành viên; trong đó, 90% số HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Huyện đã rà soát tình hình hoạt động của HTX; hướng dẫn các HTX thành lập mới, thu hút thêm thành viên, tăng số vốn điều lệ; vận dụng các cơ chế chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển HTX. Tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại; từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Những đóng góp của các HTX nông nghiệp ở Yên Châu đã khẳng định vai trò tiên phong trong liên kết, tạo chuỗi giá trị cho nông sản chủ lực của huyện. Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!