Đổi thay ở Quy Hướng

Hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư khang trang, những tuyến đường bê tông trải nhựa sạch đẹp, từng triền đồi bạt ngàn màu xanh của cây ăn quả và dưới lòng hồ thủy điện là những lồng nuôi cá san sát của các hộ dân đang chuẩn bị thu hoạch. Đó là khung cảnh miền quê yên bình xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu.

Tuyến đường nội bản Bó Hoi, xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu được bê tông kiên cố.

Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi năng suất, chất lượng cao.

Ông Mùi Văn Sứ, Chủ tịch UBND xã Quy Hướng, thông tin: Là xã vùng II còn nhiều khó khăn, xã đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi; nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn hội viên vay vốn, sử dụng vốn vay đúng mục đích, đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế, mua con giống, vật nuôi và máy móc phục vụ sản xuất. Hiện, tổng dư nợ của toàn xã đạt hơn 25 tỷ đồng với 115 hộ nghèo, 143 hộ cận nghèo được vay vốn. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn 25,13%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/người/năm.

Nhân dân xã Quy Hướng nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình.

Nằm trong vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình với hàng trăm ha mặt nước, Quy Hướng đã tập trung phát triển nghề nuôi cá lồng, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Toàn xã hiện có 162 lồng nuôi cá, tập trung ở ở các bản: Nà Quền, Đồng Giăng, Bến Trai. Cụ thể hóa mục tiêu đưa nghề nuôi cá lồng trở thành nghề mũi nhọn trong phát triển kinh tế, xã quy hoạch phát triển thủy sản vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình; đẩy mạnh công tác chuyển giao cho người dân các quy trình nuôi, sản xuất  cá giống có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp và cá tạp đánh bắt được từ lòng hồ để làm nguồn thức ăn cho cá lồng.

Là một trong những hộ nuôi cá lồng với số lượng lớn ở Quy Hướng, gia đình anh Bàn Văn Cứ, bản Nà Quền, đã có cuộc sống no đủ hơn. Anh Cứ chia sẻ: Bắt đầu nuôi cá lồng từ năm 2016, đến nay, gia đình tôi có 30 lồng cá làm bằng khung sắt kiên cố, nuôi các loại cá, như: Dầm xanh, trắm đen, rô phi... Nhờ có nguồn nước sạch và thức ăn sẵn có từ ngô, sắn và các loại cá vụn đánh bắt từ lòng hồ, nên tiết kiệm chi phí đầu tư thức ăn cho cá. Ngoài việc tự tìm học các kỹ thuật nuôi trên sách báo, tivi, gia đình còn được cán bộ xã hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá nên hầu như cá không bị bệnh, lớn nhanh và chất lượng thịt thơm ngon. Trung bình mỗi năm, gia đình xuất ra thị trường trên 10 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận thu được trên 200 triệu đồng.

Triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Trung ương, của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới theo quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”; “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Quy Hướng đã chung sức, đồng lòng thực hiện các tiêu chí, tạo sự thay đổi rõ nét trong hạ tầng nông thôn. Đến nay, Quy Hướng đã đạt 9/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2021-2025.

Bản Bó Hoi là điểm sáng trong làm đường giao thông nông thôn ở Quy Hướng, bản đã đã huy động nguồn lực trong nhân dân được trên 650 triệu đồng, cùng với nguồn hỗ trợ của Nhà nước để bê tông hóa tuyến đường nội bản dài hơn 1,5 km, tạo thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, phát triển sản xuất.

Bà Bàn Thị Lý, bản Bó Hoi, phấn khởi nói: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm, đồng lòng của chính quyền và nhân dân, bản đã có đường bê tông phẳng đẹp thẳng tắp đến mọi ngõ xóm; có nhà văn hóa rộng rãi để bà con sinh hoạt; trường lớp khang trang cho con, cháu học; có điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt đảm bảo; sản xuất phần lớn đã được cơ giới hóa... Cuộc sống của bà con ngày càng thay đổi.

Nhân dân xã Quy Hướng trồng cây lâm nghiệp.

Cùng với đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được đảm bảo. Cộng đồng dân cư được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã có ý thức trách nhiệm hơn trong công tác khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng. Việc trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán được chú trọng đưa vào chỉ tiêu phấn đấu hàng năm, trong các năm đều thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, độ che phủ rừng đạt trên 41%. Năm 2023, xã đã chỉ đạo nhân dân triển khai trồng được 30 ha cây lâm nghiệp, đạt 150% kế hoạch và 2.750 cây phân tán, đạt 137% so với chỉ tiêu giao.

Chia tay Quy Hướng trong niềm hân hoan và khí thế thi đua sôi nổi, cùng quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và người dân ngay trong những ngày đầu năm mới, với mong muốn có thêm đời sống ngày càng ấm no.

Bài, ảnh: Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới