Chúng tôi đến điểm tái định cư Khoai Lang, bản Khoai Lang, xã Mường Thải, huyện Phù Yên vào một chiều cuối thu. Trong nắng vàng hanh hao, những ngôi nhà sàn kiên cố, khang trang hiển hiện trên các sườn đồi. Dọc những tuyến đường bê tông phẳng phiu, có thêm hệ thống đường điện được kéo đến từng gia đình.
Anh Lý Văn Mong, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Khoai Lang dẫn chúng tôi thăm một vòng điểm tái định cư. Vừa đi, anh vừa thông tin: Khoai Lang là bản đặc biệt khó khăn của xã Mường Thải, có 145 hộ, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Thời điểm từ năm 2017-2019, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa to nhiều ngày, mưa đá, lũ lụt, sạt lở xảy ra trên địa bàn đã làm thiệt hại nhiều tài sản, hoa màu của người dân. Đặc biệt, 51 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm ngay cạnh quả đồi bị sụt, có nguy cơ đổ sập vùi lấp, cần phải di chuyển.
Trước tình hình khẩn cấp đó, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai Dự án bố trí, sắp xếp dân cư vùng thiên tai sạt lở đất, lũ ống, lũ quét bản Khoai Lang, có tổng diện tích gần 4 ha, được khởi công từ tháng 4/2020, với tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng. Với tinh thần khẩn trương, tích cực, sau gần 2 tháng, các hạng mục, gồm nền nhà, kè bê tông, đường giao thông, rãnh thoát nước, công trình điện, nước, điểm trường... đã hoàn thành để đón 51 hộ dân đến điểm tái định cư mới, ngay trước mùa mưa lũ năm 2020.
Đến nơi ở mới, mỗi hộ được nhận 253 m² đất ở. Để giúp các hộ dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, các hộ được hỗ trợ di chuyển 20 triệu đồng/hộ; hỗ trợ mua nguyên vật liệu dựng lại nhà mới... Cùng với đó, các hộ dân trong bản, các tổ chức đoàn thể xã giúp hàng nghìn ngày công giúp bà di chuyển và dựng nhà tại nơi ở mới.
Chuyển đến nơi ở mới, cuộc sống của người dân tại điểm tái định cư và bản Khoai Lang ngày càng tốt hơn. 100% số hộ dân trong bản được sử dụng điện lưới quốc gia, nước sạch, công trình phụ đảm bảo vệ sinh môi trường, được xem truyền hình; bản có điểm trường mới; nhà văn hóa được sửa chữa, nâng cấp...
Nhân dân trong bản đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi. Hiện nay, bản có trên 220 ha đất trồng ngô, gần 20 ha trồng lúa nước; hiện bản đang trồng thí điểm một số loại cây ăn quả có múi như: cam, bưởi; trồng cây lâm nghiệp; chăn nuôi được phát triển theo hướng hàng hóa, với tổng đàn gia súc gia cầm gần 3.600. Ngoài ra, bản hiện có hơn 100 người đi lao động tại nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố.
Là 1 trong 51 hộ di chuyển đến nơi ở mới, gia đình anh Bàn Văn Chăm đã tích cực phát triển kinh tế, đầu tư chuồng trại nuôi lợn thịt, trồng hơn 1.000 m2 lúa nước, hơn 1ha ngô làm thức ăn chăn nuôi, bán ngô thương phẩm và trồng 1 ha cam. Ngoài ra, gia đình anh còn mở cửa hàng tạp hóa phục vụ nhu cầu của bà con trong bản. Cuộc sống gia đình ngày càng ổn định, có điều kiện lo cho con cái ăn học.
Anh Bàn Văn Chăm kể lại: Trước đây, khi chưa di chuyển đến nơi ở mới, mỗi khi trời mưa người dân lại nơm nớp lo sợ lũ ống, lũ quét xảy ra. Khi biết tin được di chuyển đến nơi ở mới cách địa điểm cũ không xa, bà con chúng tôi mừng lắm. Được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền xã, sự chia sẻ của bà con trong bản, bây giờ, gia đình tôi và các hộ yên tâm lao động sản xuất để phát triển kinh tế, xóa đói nghèo.
Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lý Văn Mong chia sẻ thêm: Bản đã có nhiều đổi thay, tuy nhiên, điều trăn trở nhất của bà con là đường giao thông về bản còn khó khăn. Gần 4 km từ bản Chiếu đến bản Khoai Lang vẫn là con đường đất, mùa khô bụi mù, mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt; nông sản bà con làm ra tiêu thụ cũng rất khó khăn, bị ép giá. Bên cạnh đó, bản còn trên 50% hộ nghèo, bà con mong muốn cấp ủy, chính quyền quan tâm, nhất là đầu tư đường giao thông về bản để người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!