Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Phù Yên có 10/26 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong quá trình triển khai, có nhiều hộ gia đình góp công, góp của; nhiều tập thể năng động khai thác tiềm năng, lợi thế cùng địa phương thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.
Huyện ủy, UBND huyện đã tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho nhân dân làm cơ sở thực hiện các tiêu chí NTM. Đồng thời, tập trung nguồn lực xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả; trong đó, đẩy mạnh trồng cây ăn quả có múi, phát triển chăn nuôi và nuôi thủy sản. Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn phục vụ đời sống và sản xuất từng bước đầu tư xây dựng; đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,28%.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cùng sự đồng lòng của nhân dân, năm 2022 xã Tường Thượng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong những năm qua, nhân dân trong xã đã hiến trên 1.500 m2 đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa bản. Điển hình là gia đình ông Lò Văn Hải, bản Khoa 1 đã hiến 350 m2 đất sản xuất để xây dựng nhà văn hóa bản. Tại lễ công bố xã Tường Thượng đạt chuẩn NTM, ông Lò Văn Hải đã vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen; được cấp ủy, chính quyền xã biểu dương về việc làm vì cộng đồng. Ông Lò Văn Hải chia sẻ: Đối với gia đình, đây là diện tích đất sản xuất lớn, nhưng được tuyên truyền, vận động, gia đình đã thống nhất hiến đất cho bản xây dựng nhà văn hóa mới khang trang hơn để bà con có nơi sinh hoạt tập thể.
Tháng 4 vừa qua, bản Nghĩa Hưng, xã Mường Cơi, được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu về phát triển sản xuất. Năm 2019, bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao bản Nghĩa Hưng xác định tập trung phát triển kinh tế tạo động lực thực hiện các tiêu chí khác. Khai thác lợi thế để phát triển cây ăn quả. Hiện nay, bản có trên 40 ha cam, bưởi và quýt chất lượng cao; chăn nuôi trên 400 con gia súc, thu nhập bình quân đạt 42 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, bản quan tâm việc bảo vệ môi trường. 100% các hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Các hộ trồng cây ăn quả chuyển từ việc sử dụng các loại thuốc hóa học sang thuốc sinh học, phân hữu cơ. Nhờ đó, các sản phẩm quả của Nghĩa Hưng nhận được sự đánh giá cao của người tiêu dùng, riêng sản phẩm quýt ngọt của HTX trồng cây ăn quả Nghĩa Hưng đạt OCOP “3 sao” cấp tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Cường, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nghĩa Hưng, cho hay: Quá trình xây dựng NTM nâng cao, bản vận động nhân dân đóng góp trên 730 triệu đồng, hơn 1.300 ngày công lao động, cùng với sự hỗ trợ của nhà nước để xây dựng nhà văn hóa, đường ngõ xóm, đường nội đồng, nước sinh hoạt và điện chiếu sáng, chỉnh trang nhà cửa dân cư; vận động các hộ tham gia dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm 2 buổi/tuần.
Đối với xã vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn như Nam Phong, cấp ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân chung sức thực hiện bê tông hóa các tuyến đường liên bản, nội bản, tạo thuận lợi việc đi lại, vận chuyển nông sản hàng hóa. Hiện nay, 80% số tuyến đường liên bản và 100% đường nội bản của xã, với tổng chiều dài gần 30 km được đổ bê tông, tổng kinh phí khoảng 12 tỷ đồng.
Đồng chí Mùi Văn Tha, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phong, cho biết: Xã đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước và vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phục vụ đời sống dân sinh; trong đó, phấn đấu hoàn thành tiêu chí đường giao thông nông thôn trước năm 2025.
Với sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự đồng lòng của nhân dân trong triển khai thực hiện, huyện Phù Yên đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!