Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh ta triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cuối tháng 9 vừa qua, niềm vui đến với 95 hộ đồng bào dân tộc Mông, bản Huổi Tính, xã Bó Sinh, huyện Sông Mã khi công trình cấp nước sinh hoạt của bản hoàn thành, đưa vào sử dụng. Từ nay, bà con trong bản không phải đi lấy nước ở các khe, mó cách bản 2-3 km về để sinh hoạt. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Vừ A Cở, Trưởng bản Huổi Tính, cho biết: Chúng tôi rất vui khi Nhà nước đầu tư công trình cấp nước mới, nước dẫn về tận nhà, không phải lo thiếu nước sinh hoạt nữa. Tôi sẽ tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ, quản lý, để công trình hoạt động lâu dài; thực hiện khoanh nuôi, bảo vệ rừng đầu nguồn, để đảm bảo nguồn nước.
Tháng 6/2023, nhân dân xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu cũng có niềm vui khi công trình Nhà văn hóa xã được đưa vào sử dụng. Công trình có tổng diện tích sàn trên 220m², mái đổ bê tông, tổng mức đầu tư trên 2 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các dự án chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ông Trần Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt, cho biết: Có nhà văn hóa kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho xã tổ chức họp, triển khai các công việc. Bên cạnh đó, bà con có nơi vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao thường xuyên. Ngoài ra, năm 2023, xã còn khánh thành, đưa vào sử dụng nhà văn hóa và cầu bản Khá, góp phần hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh ta được phân bổ hơn 335 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại địa bàn 126 xã đặc biệt khó khăn và các bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, II. Đến nay, đã giải ngân thanh toán gần 213,8 tỷ đồng.
Đầu tư xây dựng 158 công trình nước sinh hoạt tập trung; giải quyết nước sinh hoạt phân tán cho 6.162 hộ. Tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 179 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú. Đầu tư 5 công trình đường giao thông liên xã chưa được cứng hóa; 8 công trình chợ; duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng trên địa bàn các xã, bản đặc biệt khó khăn.
Toàn tỉnh có 97,55% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 78,49% bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học, trạm y tế xây dựng kiên cố; 94,88% đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh...
Ông Thào Xuân Nếnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Ban tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đề nghị với các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành, sửa đổi, bổ sung các thông tư, văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện. Đề nghị Ủy ban Dân tộc tham mưu Chính phủ sớm phê duyệt, bố trí kinh phí triển khai thực hiện dự án sử dụng vốn chính sách phát triển hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Có chính sách đặc thù, thu hút đối với cán bộ làm công tác dân tộc ở các cấp, bổ sung biên chế công chức làm công tác dân tộc cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi...
Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội phục vụ đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!