Đã 16 năm trôi qua, kể từ ngày 51 hộ dân bản Pắc Ma, xã Pắc Ma, huyện Quỳnh Nhai, nhường đất cho Dự án thủy điện Sơn La chuyển đến bản tái định cư Quỳnh Phiêng, được Nhà nước quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng; hỗ trợ đời sống, sản xuất. Bà con trong bản yên tâm lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống mới trên quê hương thứ hai của mình.
Trải dọc hai bên đường vào bản tái định cư Quỳnh Phiêng, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu là bạt ngàn cây ăn quả tươi xanh, với những chùm mận trĩu cành, hoa nhãn trà chín muộn xum xuê bung nở, tỏa hương thơm dịu ngọt. Từng tốp các cô, các chị đang trên đường ra đồng, lên nương, tiếng bước chân nhộn nhịp hòa tiếng cười nói rộn ràng.
Theo chân những người nông dân bản tái định cư ra đồng, chúng tôi ấn tượng trước những luống cải bắp xanh mướt dưới hệ thống nước phun tự động trắng xóa trong ánh nắng sớm, tô điểm thêm cho vẻ đẹp yên bình, no ấm nơi đây. Bà con đã biết luân canh gối vụ, thành vùng trồng rau chuyên canh cung cấp cho thị trường.
Ông Liềm Văn Yến vui vẻ nói với chúng tôi: Không còn vất vả với những gánh nước tưới từng luống rau như trước nữa, nay nhờ lắp hệ thống tưới bằng mô tơ điện, chỉ với một nút ấn, vừa tiết kiệm được lượng nước tưới, vừa làm tăng độ ẩm cho đất, kích thích cây tăng trưởng. Hệ thống tưới phun đều hơn, kịp thời hơn, nhất là vào mùa nắng nóng như hiện nay.
Từ bàn tay chỉ quen với trồng lúa, ngô, đánh bắt cá tôm nơi ở cũ, những người nông dân tái định cư đã không ngừng học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. Theo ông Yến chia sẻ kinh nghiệm, một năm bà con trồng 3 vụ bắp cải. Muốn bắp cải cuộn chặt, tươi non mà không bị sâu bệnh, trước hết là chọn giống bắp cải dáng mập, lùn, đốt sít, phiến lá tròn, ra đủ 5 - 6 lá. Đất phải tơi xốp, sạch cỏ và tàn dư thực vật rồi mới lên luống cao 25 - 30 cm, mặt luống rộng từ 1,1 - 1,2 m, bằng phẳng, dễ thoát nước để tránh ngập úng khi gặp mưa, cứ 7-10 ngày tưới rãnh 1 lần, tưới phun bằng hệ thống 2 lần/ngày vào mùa khô và 2 ngày/lần vào mùa mưa. Thường xuyên theo dõi ruộng rau, bón thúc đều đặn và kịp thời phát hiện sâu bệnh gây hại để kịp xử lý. Bình quân mỗi năm, từ bán bắp cải các hộ dân thu về khoảng 90-100 triệu đồng.
Mang theo niềm vui của người nông dân, chúng tôi về bản trên con đường bê tông phong quang, sạch sẽ. Sắc màu của rặng hoa mười giờ đua nở, khoe sắc bên đường như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của bản tái định cư với những ngôi nhà kiên cố, trang khang.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Điêu Thị Sinh vẫn đong đầy ký ức về quê hương Quỳnh Nhai và những ngày đầu trên quê mới. Bà Sinh tâm sự: Khi còn nơi ở cũ, chúng tôi làm ruộng, trồng lúa là chủ yếu nên những ngày đầu ở quê hương mới chưa biết cách trồng hoa màu, cây ăn quả, cuộc sống của gia đình tôi cũng như 51 hộ dân trong bản gặp không ít khó khăn. Nhưng được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành cùng bà con sở tại đã truyền kiến thức, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nên cuộc sống dần ổn định; nhiều nhà khấm khá, có của ăn của để. Cả bản cùng chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống trên quê mới, coi nhau như anh em ruột thịt. Gia đình tôi được chính quyền địa phương cấp cho 2.500 m2 đất nông nghiệp đã tập trung trồng mận, thu hoạch bình quân mỗi năm 15 tấn mận, mang lại thu nhập 80 triệu đồng.
Niềm nở mời chúng tôi vào nhà, ông Hoàng Văn Phó, Trưởng bản Quỳnh Phiêng, phấn khởi nói: Hiện nay, bản có 71 hộ dân, 307 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái. Các hộ dân đến tái định cư luôn được các cấp, các ngành quan tâm về mọi mặt. Bà con trong bản luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài diện tích 56 ha cây ăn quả, chủ yếu là cây mận, cây nhãn, bà con trong bản còn tích cực chăn nuôi, trồng rau màu, dâu tây, trồng dong riềng và học hỏi cách làm miến dong thủ công để có thêm thu nhập. Nhờ đó, đời sống vất chất, tinh thần của bà con dần khá lên, trước đây, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/người/năm, đến nay đã tăng lên 37 triệu đồng/người/năm, cả bản giờ chỉ còn 5 hộ nghèo.
Với sự quan tâm của Nhà nước, sự đồng lòng của bà con, bản tái định cư Quỳnh Phiêng từng bước ổn định cuộc sống, trở thành một trong những bản có kinh tế phát triển của xã Lóng Phiêng. Chúng tôi càng khâm phục những hy sinh, đóng góp của các hộ dân vì dòng điện của Tổ quốc; chịu thương, chịu khó, vươn lên làm giàu, chung sức xây dựng quê mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!