Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới

Cuộc cách mạng nông nghiệp làm thay đổi nhận thức của nhà quản lý và tư duy của người sản xuất, làm cho Sơn La trở thành “hiện tượng kinh tế nông nghiệp”. Từ một tỉnh chỉ “quanh năm bán sắn, bán ngô” nay đã phát triển mạnh cây ăn quả trên đất dốc, cây công nghiệp, nghề chăn nuôi đại gia súc; nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ thủy điện, mang lại sức sống mới cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

Nông dân xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Với hơn 350 nghìn ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích cây ăn quả của tỉnh đạt gần 80.000 ha; với 181 mã số vùng trồng; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 74 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP. Nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thực hiện các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP và hướng tới GlobalGAP; xây dựng nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nước tiết kiệm, cho thu nhập cao từ 200 - 400 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp vẫn còn hạn chế, cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở thành phổ biến, kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và bộc lộ những yếu kém, cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao; thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro cao. Dịch bệnh luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, quản lý thuốc bảo vệ thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm còn khó khăn, phức tạp.

Trước những thực trạng nêu trên, các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 2025; đề án phát triển lĩnh vực trồng trọt theo hướng an toàn và bền vững; phát triển chăn nuôi; thủy sản; phát triển nông nghiệp hữu cơ; nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã kiểu mới, gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đề án phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, ứng dụng chế phẩm sinh học...

Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách thu hút thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế. Ban hành cơ chế chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào nông nghiệp nông thôn dưới hình thức có sự tham gia giữa nhà nước và tư nhân. Ban hành và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ nghiên cứu chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.

Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đảm bảo tăng cường liên kết vùng đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp bền vững, hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn hội nhập quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ.

Triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, quy trình kỹ thuật sản xuất. Tăng cường hệ thống phòng trừ, kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.

Đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp, ưu tiên đào tạo nhân lực có trình độ tiếp cận công nghệ hiện đại; đào tạo lao động nông thôn, gắn với nhu cầu thị trường, doanh nghiệp, hợp tác xã, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Nâng cao chất lượng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và năng lực hội nhập quốc tế. Khai thác tốt tiềm năng thị trường, bảo vệ tài nguyên môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai.

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường cung cấp thông tin về các hàng rào kỹ thuật và thương mại đối với nông sản xuất khẩu. Xây dựng chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp; các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhất là các ngành nghề sử dụng nhiều lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới