Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp đã đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, từng bước giúp nhân dân nâng cao thu nhập, vươn lên giảm nghèo, cải thiện đời sống.
Với trên 16.100 ha đất tự nhiên, có 10 bản, 871 hộ dân là đồng bào dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú sinh sống. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên 1.022 ha, nhưng có độ dốc lớn, qua nhiều năm canh tác, nên đa phần đất đã bạc màu, năng suất cây trồng đạt thấp. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã Nậm Lạnh là 51%.
Ông Vì Văn Minh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ điều kiện thực tế, xã đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh nghiên cứu khảo nghiệm trồng cây ăn quả có múi, trồng dứa Queen, cải tạo vườn tạp ở một số bản vùng thấp. Tận dụng lợi thế các phiêng bãi để chăn nuôi đại gia súc và trồng các loại cây lâm nghiệp, trồng rừng ở các bản vùng cao. Đồng thời, kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo việc làm cho lao động địa phương.
Hằng năm, nhân dân trong xã gieo trồng 75 ha ngô lai; 425 ha lúa ruộng, lúa nương, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 1.800 tấn/năm; chăn nuôi trên 3.600 con gia súc, trên 27.000 con gia cầm; nuôi gần 660 đàn ong lấy mật. Ngoài ra, còn chăm sóc 175 ha cây ăn quả các loại. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án, chương trình 135, 30a, các tổ chức đoàn thể của xã đã nhận ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hơn 38,6 tỷ đồng cho trên 600 lượt hộ dân vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất.
Ông Vì Văn Đồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Lọng Tòng, cho biết: Được tuyên truyền, vận động về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, bà con trong bản đã chuyển sang trồng cây cam, quýt. Hiện nay, bản có 18 ha cây ăn quả có múi, trong đó 15 ha đã cho thu hoạch, sản lượng đạt gần 80 tấn quả/vụ. Thu nhập bình quân đạt gần 30 triệu đồng/người/năm.
Đến thăm mô hình trồng cây ăn quả có múi của gia đình anh Tòng Văn Tiến, bản Phổng, một trong những hộ trồng cây ăn quả tiêu biểu của xã. Anh Tiến chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, đầu tư trồng hơn 1,3 ha cam đường canh, quýt chum, xoài ghép, bưởi da xanh. Sau 4 năm trồng, vụ quả đầu tiên thu hoạch được 4 tấn, trừ chi phí thu về hơn 60 triệu đồng. Sau đó, mỗi năm thu hoạch trên 13 tấn quả các loại, thu nhập bình quân hàng năm hơn 200 triệu đồng. Năm 2021, tôi đã xây được ngôi nhà mới khang trang; có thêm vốn để đầu tư sản xuất.
Cùng với phát triển kinh tế, các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã cũng được huyện, tỉnh quan tâm đầu tư, nâng cấp. Trong đó có tuyến đường liên xã Nậm Lạnh đi Dồm Cang; Nậm Lạnh đi Mường Và, nhà văn hóa bản Lạnh, Cang Kéo, Pá Vai, Bánh Han. Bê tông đường liên bản Hua Lạnh đi Huổi Hịa; đường sản xuất bản Cang Kéo; công trình nước sinh hoạt cho 6 bản vùng thấp...
Cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Lạnh tiếp tục lãnh đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập, phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm giảm 3% hộ nghèo trở lên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!