Những năm gần đây, huyện Sông Mã chỉ đạo nhân dân phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại, HTX; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ con giống, chuyển giao kỹ thuật, từng bước đưa chăn nuôi trở thành ngành chính trong sản xuất nông nghiệp, giúp nhân dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiện nay, huyện có 176.865 con gia súc, chủ yếu là trâu, bò, lợn, dê và 996.000 con gia cầm, với hơn 20.490 hộ chăn nuôi. Hàng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn nhân dân áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi; thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh; đảm bảo nguồn thức ăn dinh dưỡng, nâng cao chất lượng và số lượng đàn vật nuôi. Tăng cường kiểm tra, kiểm dịch đàn gia súc, gia cầm và kiểm soát các cơ sở giết mổ…
Trong 6 tháng đầu năm nay, các xã, thị trấn đã tiêm 34.475 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, 450 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng và 760 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn trâu, bò, lợn. Bà con duy trì 444 ha cỏ cỏ voi, VA06, Guatemala phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, còn tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, như cây mía, cây ngô, rơm rạ... dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi thí điểm theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Vận động nhân dân xây dựng chuồng trại kiên cố, quan tâm xử lý chất thải chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Hiện nay, có 65,7% số hộ chăn nuôi có chuồng trại kiên cố; 5,8% số hộ có hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, trong đó 139 hộ xây dựng công trình xử lý chất thải bằng bể biogas, 2 cơ sở chăn nuôi bò tại xã Nà Nghịu và Mường Lầm áp dụng kỹ thuật làm đệm lót sinh học, còn lại là kỹ thuật xử lý chất thải khác.
Điển hình trong các mô hinh chăn nuôi có quy mô khép kín là HTX Mường Lầm, bản Mường Nưa, xã Mường Lầm. Thành lập từ năm 2019, HTX có 15 thành viên, hoạt động trên lĩnh vực chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Được Nhà nước hỗ trợ 70% số con giống, năm 2020, HTX nuôi thí điểm 23 con bò giống lai sind, batman trên nền đệm lót sinh học. Đồng thời, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô 300m2, với tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng.
Anh Tòng Văn Cường, Giám đốc HTX, thông tin: Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do huyện tổ chức và tìm hiểu, nghiên cứu đặc điểm của giống bò để rút kinh nghiệm trong quá trình chăm sóc. Đến nay, đàn bò của HTX đã sinh sản được 12 con bê, số lượng đàn tăng lên 30 con. Ngoài ra, HTX còn trồng 2 ha cỏ voi, sử dụng bã bia, cám gạo làm nguồn thức ăn giúp đàn bò phát triển khỏe mạnh.
Triển khai từ tháng 12/2022, mô hình nuôi gà đẻ trứng tại xã Chiềng Khương có hệ thống chuồng trại quy mô, lắp đặt hệ thống điện, máy sưởi, quạt gió. Chị Trần Thị Yến, bản Thống Nhất, chủ mô hình, cho biết: Hiện nay, gia đình duy trì đàn gà với 2.800 con, mỗi ngày thu 2.250 quả trứng, cung cấp cho các cửa hàng tạp hóa, các chợ đầu mối trong huyện. Sản lượng trứng gà không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, nên thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô lên 15.000 con, thiết kế chuồng nuôi tự động giảm công lao động và bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Hiện nay, nhân dân xã Nậm Mằn chăn nuôi hơn 6.600 con gia súc. Song, bà con chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Ông Lò Văn Nước, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc của huyện, xã đã tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu về các lợi ích khi tham gia đề án, như được Nhà nước hỗ trợ con giống; được hướng dẫn xây dựng chuồng trại chăn nuôi kiên cố, kỹ thuật nuôi nhốt gia súc tập trung, phòng ngừa dịch bệnh và chủ động nguồn thức ăn theo mùa… Trên cơ sở đó, tuyên truyền, vận động bà con đăng ký tham gia, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trong định hướng phát triển chăn nuôi những năm tiếp theo, huyện Sông Mã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô gia trại, trang trại trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương. Ứng dụng công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tập trung thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn trong huyện. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn chiếm 40% tổng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi; tỷ trọng sản phẩm hàng hóa chăn nuôi đại gia súc trang trại, gia trại đạt 5 - 10% trong tổng sản phẩm ngành chăn nuôi…
Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi, sự tích cực, chủ động tham gia của nhân dân, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện Sông Mã được duy trì và phát triển tốt, góp phần giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!