Thay đổi nhận thức của bà con về chăn nuôi bền vững

Sau 2 năm triển khai Dự án “Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới (SAPLING)", gọi tắt là dự án Chăn hênh trên địa bàn huyện Mai Sơn, đã tạo những chuyển biến tích cực trong chăn nuôi, đã thành lập được các nhóm sở thích, nâng cao năng suất, cải thiện sinh kế cho người chăn nuôi. Đồng thời, thúc đẩy an ninh lương thực, dinh dưỡng và bình đẳng giới khu vực đồng bào dân tộc thiểu số.

Giọng nữ
Hội thảo tham vấn triển khai Dự án “Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới".

Dự án Chăn hênh do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), nhóm tư vấn Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La thực hiện trong 2 năm 2023-2024 tại các xã: Chiềng Lương, Hát Lót, Mường Bon, Chiềng Chung, Chiềng Dong, Chiềng Kheo và Chiềng Mai, huyện Mai Sơn, với tổng nguồn vốn gần 76,5 tỷ đồng.

Dự án có 5 hợp phần, gồm: Công nghệ và thực hành tăng năng suất bền vững; tăng đa dạng dinh dưỡng qua thực phẩm nguồn gốc động vật; năng suất chăn nuôi bền vững cho bình đẳng giới và hòa nhập xã hội; chuỗi giá trị chăn nuôi và cạnh tranh; quyết định dựa trên bằng chứng, nhân rộng mô hình.

Triển khai từ tháng 3/2023 đến nay, Dự án đã tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho 232 nông dân về kỹ thuật chọn giống bò và lợn; nâng cao năng lực thú y và kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho 37 học viên là thú y viên và khuyến nông xã; đào tạo 32 giảng viên ToT về cỏ và thức ăn chăn nuôi. Đồng thời, 1.183 hộ dân được tập huấn trực tiếp tại hiện trường các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, về: Kỹ thuật trồng cỏ, chế biến thức ăn, chăm sóc sức khỏe vật nuôi và an ninh sinh học; hỗ trợ giống cỏ chăn nuôi mới cho 7 nhóm sở thích, 1 hợp tác xã... 

Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản phối hợp với huyện Mai Sơn và các đơn vị tổ chức Hội thi chia sẻ kiến thức chăn nuôi.

Đến nay, Dự án đã xây dựng 4 mô hình trang trại chăn nuôi an toàn sinh học, 4 mô hình cỏ chăn nuôi thử nghiệm các giống cỏ mới tăng dinh dưỡng và chống chịu được vào mùa khô. Cùng với đó, thúc đẩy sản xuất và kết nối thị trường, Dự án còn hỗ trợ thành lập và vận hành 7 nhóm sở thích chăn nuôi, 1 hợp tác xã với hơn 120 thành viên. Các nhóm được hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, kết nối thị trường, xây dựng hợp đồng hợp tác và kỹ năng quản lý tài chính. 

Anh Hà Văn Kim, Trưởng Nhóm cùng sở thích chăn nuôi trâu bò Tiên Tiến, bản Khoa, xã Chiềng Chung, chia sẻ: Nhóm được thành lập từ năm 2021 với 11 hộ thành viên. Tham gia Nhóm cùng sở thích chăn nuôi trâu bò Tiên Tiến, các thành viên được Dự án Chăn hênh hỗ trợ trên nhiều phương diện, như: Tham gia các lớp tập huấn về kiến thức thức ăn chăn nuôi; phương pháp kiểm soát và phòng chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi; kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phế thải chăn nuôi... Bên cạnh đó, còn hỗ trợ nhóm cải thiện chất lượng đàn bò thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo. Nhờ sự hỗ trợ của Dự án, các thành viên trong nhóm cùng nhau phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng một cộng đồng chăn nuôi phát triển vững mạnh. 

Mô hình chăn nuôi bò nhốt chuồng của anh Hà Văn Kim, bản Khoa, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn.

Còn anh Tòng Văn Long, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi bản Mảy, xã Chiềng Chung, chia sẻ: Hiện nay, tổ có 20 hộ thành viên, đã ban hành quy chế hoạt động cụ thể và thỏa thuận hợp tác xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh chi tiết. Tham gia dự án, chúng tôi được hướng dẫn kỹ thuật thu hoạch và bảo quản cỏ, xử lý chất thải chăn nuôi và tận dụng phế phẩm nông nghiệp để sản xuất thức ăn, giảm chi phí đầu vào. Hiện nay, các hộ trong tổ hợp tác đều áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học với chuồng trại được thiết kế khoa học, quy trình chăm sóc và phòng bệnh cho vật nuôi được chú trọng. Thực hiện mô hình, đã giúp vật nuôi khỏe mạnh, lớn nhanh, hạn chế rủi ro và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. 

Đánh giá về Dự án Chăn hênh, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, thông tin: Với hình thức hỗ trợ, can thiệp kỹ thuật, định hướng giúp các nông hộ chuyển đổi sản xuất phù hợp, bước đầu Dự án đã làm thay đổi nhận thức của bà con về chăn nuôi bền vững; quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc thiểu số đã chủ động áp dụng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, góp phần cải thiện an ninh lương thực và nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho cộng đồng. Dự án cũng đã thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của nam, nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số vào chuỗi giá trị chăn nuôi.

Thông qua việc nâng cao nhận thức, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ người dân áp dụng các mô hình chăn nuôi tiên tiến, Dự án Chăn hênh đã góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi tại huyện Mai Sơn, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới