Mưa lũ nhiều ngày qua gây thiệt hại trên 600 ha lúa mùa của nhân dân huyện Thuận Châu. Huyện đã và đang tập trung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lò Văn Thỏa, cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo đối với diện tích lúa bị ảnh hưởng do ngập úng có thể khôi phục, các địa phương hướng dẫn nhân dân chủ động đắp bờ; khơi thông dòng chảy, tạo rãnh thoát nước trên ruộng để tiêu nước; hạn chế nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ. Sau khi nước rút tiến hành té nước rửa bùn, tạo điều kiện cho cây lúa quang hợp, tăng cường sử dụng các loại phân bón kích thích ra rễ, phân bón lá giúp cây lúa phục hồi nhanh.
Đối với diện tích lúa bị vùi lấp, các địa phương hướng dẫn bà con khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, xử lý đất. Khung thời vụ đến ngày 5/8, nếu thời tiết thuận lợi, khuyến cáo nhân dân sử dụng một số giống lúa ngắn và trung ngày, như: HDT 10, TBR225, Đài Thơm 8, Bắc Xuyên, Bắc Thơm số 9, N97, Khang Dân 28, ĐB18, lúa nếp BM9603, CR203, PC6, Dự Hương 8, lúa Japoniaca VAAS16; ADI28, ADI 168, TBR279... tiến hành gieo thẳng rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa từ 5 -10 ngày.
Đối với diện tích bị thiệt hại không khôi phục được, hướng dẫn nhân dân trồng thay thế bằng các loại cây ngắn ngày như: Ngô nếp HN68, nếp lai TBM18, ADI 668, nếp địa phương và một số loại rau màu phù hợp với trình độ canh tác và điều kiện của địa phương.
Những ngày này, ông Lò Văn Thiết, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tông Lạnh, lúc ở trụ sở làm việc, lúc lại có mặt tại cánh đồng một số bản trong xã để hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả mưa lũ. Thông tin nhanh về tình hình thiệt hại với chúng tôi, ông Thiết chia sẻ: Đợt mưa lũ vừa qua làm 48,6 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn, trên 5,6 ha thiệt hại từ 50 - 70% và 2 ha bị thiệt hại một phần. Ngay sau khi nước rút, nông dân các bản trong xã đã hối hả bắt tay vào khôi phục sản xuất.
Trên thửa ruộng 1.500 m2 sát dòng suối Muội, vợ chồng ông Lường Văn Hiền, bản Hua Nà, xã Tông Lạnh, đang đóng cọc tre, đắp bờ ruộng. Ông Hiền cho biết: Trời mưa to, lũ về kéo theo đất, đá vùi lấp hết diện tích lúa của gia đình. Hiện nay, gia đình đang lấy lại mặt bằng của ruộng, do không kịp khung thời vụ nên chúng tôi dự định trồng cây ngô thay thế, không bỏ trống đất.
May mắn hơn hộ ông Hiền, 600 m2 ruộng của gia đình ông Lò Văn Tún, bản Tốm, xã Tông Lạnh, chỉ bị thiệt hại một phần. Ông Tún thông tin: Hiện nay, gia đình đang tập trung nạo vét đất, đá, vệ sinh đồng ruộng, tìm nguồn mạ để cấy bổ sung, đảm bảo khung thời vụ.
Xã Tông Cọ cũng là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ, với hơn 40 ha lúa mùa bị ảnh hưởng. Những ngày này, trên các cánh đồng, người dân đang khẩn trương làm đất, cải tạo lại đồng ruộng sau mưa lũ.
Trên cánh đồng bản Lào, ông Lò Văn Ú vừa hoàn thành gieo sạ hơn 2.000 m2 ruộng của gia đình. Ông Ú chia sẻ: Ngay sau khi nước rút, tôi tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, ngâm, ủ giống. Hiện nay, tôi tiếp tục tạo các rãnh nhỏ dẫn nước thoát trên mặt ruộng để không làm hỏng diện tích sạ mới gieo.
Sau lũ, việc khôi phục sản xuất đang được các địa phương quan tâm hướng dẫn nông dân, tập trung vào cải tạo đồng ruộng; chăm sóc diện tích có thể khắc phục được; đưa những giống cây ngắn ngày, phù hợp thổ nhưỡng vào thâm canh; hạn chế thấp nhất thiệt hại về sản xuất do mưa lũ.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!