Mai Sơn phát triển cây ăn quả có múi

Với lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, những năm qua huyện Mai Sơn đã đẩy mạnh phát triển các loại cây ăn quả thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, giúp gia tăng giá trị sản xuất. Bên cạnh các loại cây trồng như nhãn, xoài, huyện xác định cây ăn quả có múi là cây trồng chủ lực nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Đến thăm gia đình ông Hoàng Văn Chất, bản Củ, xã Chiềng Ban, thật ấn tượng trước những vườn cam, bưởi trĩu quả. Ông Chất kể: Trước đây gia đình tôi chỉ tập trung trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, có vụ tính theo bài toán “được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu dùng ngày càng chú trọng đến những mặt hàng nông sản an toàn, từ năm 2018, tôi đã vận động các hộ dân trong bản thành lập HTX Nông nghiệp Trường Tiến với mục tiêu sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.

Người dân xã Chiềng Ban thu hái cam.

Hiện, HTX có 32 thành viên, trồng 30 ha cam V1, cam cara, cam đường canh, cam V2 và bưởi da xanh, năng suất trung bình 15 tấn/ha... Ngoài ra, HTX đang liên kết với gần 500 hộ dân tại các huyện: Quỳnh Nhai, Sông Mã, Thuận Châu, Sốp Cộp, trồng 400 ha cam. Từ khi thành lập, HTX luôn nỗ lực bảo vệ, xây dựng và phát triển thương hiệu theo hướng hữu cơ. Cụ thể, các thành viên HTX chỉ sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp, chất thải, bã thải chăn nuôi thu gom ủ mục hoặc các chế phẩm sinh học, men vi sinh để ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Nhờ vậy, chi phí cho việc mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm được hàng chục triệu đồng/ha. Hiện, sản phẩm cam, bưởi của HTX được nhiều khách hàng ở thị trường khó tính, có yêu cầu rất cao như trong chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh ưa chuộng sử dụng.

Còn tại xã Hát Lót, những ngày này, nông dân cũng đang hối hả bước vào vụ thu hoạch bưởi Tết. Toàn xã hiện có 160 ha trồng bưởi diễn, da xanh, bưởi đỏ. Trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn cho năng suất thấp, không đem lại hiệu quả kinh tế. Nhưng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, được cán bộ khuyến nông huyện tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ghép mắt, ghép cành, ghép cây cải tạo giống bưởi diễn, da xanh nên đã dần có thương hiệu trên thị trường, được nhiều thương lái tìm mua, mang lại thu nhập ổn định.

Nông dân xã Hát Lót ứng dụng hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt cho vườn bưởi.

Anh Đào Xuân Hùng, hộ trồng bưởi tiêu biểu tại bản Nà Cang, xã Hát Lót, cho biết: Gia đình đã xây dựng hệ thống tưới ẩm nhỏ giọt, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng, cắt tỉa cành tạo tán đúng quy trình kỹ thuật. Chúng tôi cũng áp dụng kỹ thuật rải vụ, có thể thu hoạch bưởi từ tháng 9 năm trước đến tháng 2 năm sau.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Bưởi, cam là cây trồng khó tính, dễ nhiễm bệnh nên để giữ ổn định nguồn thu, đòi hỏi người nông dân cần có kỹ thuật chăm sóc, lựa chọn nguồn giống tốt, chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm. Nhận thức rõ điều này, những năm qua, huyện tích cực vận động, tuyên truyền người dân chuyển đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang sản xuất VietGAP, hữu cơ. Hiện, toàn huyện có gần 700 ha cam, bưởi, sản lượng gần 4.000 tấn, trong đó có 55 ha được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng gần 700 tấn

Nông dân xã Hát Lót thu hoạch bưởi.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu vụ, huyện đã gửi văn bản đến các nhà máy chế biến giới thiệu cụ thể về diện tích, sản lượng của các HTX trồng cam, bưởi trên địa bàn, đồng thời, kết nối tiêu thụ sản phẩm cam, bưởi với hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, các cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, các chủ vườn còn chủ động tìm các thương lái qua các trang mạng xã hội, sau đó gửi mẫu chào hàng. Hiện, giá bưởi dao động từ 10-20.000 đồng/kg; giá cam từ 20.000-40.000 đồng/kg tùy loại; trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi từ 300-500 triệu đồng/ha.

Cây ăn quả có múi đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế vượt trội, đem lại thu nhập ổn định cho người dân. Để sản phẩm của nông dân phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các hộ trồng cam, bưởi xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới