Đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương

Những năm qua, huyện Mai Sơn đã triển khai nhiều giải pháp phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng các chuỗi nông sản an toàn, hỗ trợ hoạt động xúc tiến, quảng bá thương mại đối với những sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương. Qua đó, giúp các doanh nghiệp, HTX và nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm và khẳng định giá trị các thương hiệu nông sản trên địa bàn.

 

 

Mô hình trồng nhãn an toàn của HTX Quý Huy, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn.

Dâu tây là một trong những sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Mai Sơn được trồng nhiều nhất xã Cò Nòi, không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh, dâu tây Mai Sơn còn được được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và hướng tới xuất khẩu. Tiêu biểu là HTX dâu tây Xuân Quế, bản Tân Quế, xã Cò Nòi hiện có 20 ha dâu tây, sản lượng khoảng 300 tấn/năm. Toàn bộ sản phẩm dâu tây của HTX được sản xuất theo quy trình an toàn, đầu tư đóng gói, bảo quản, có truy xuất nguồn gốc, thuyết phục người tiêu dùng về chất lượng, sản phẩm tạo dựng thương hiệu riêng trên thị trường. Ngoài bán cho các thương lái tiêu thụ tại chợ đầu mối các thành phố lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm quả dâu tây tươi của HTX còn được bầy bán tại hệ thống siêu thị BigC.

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế, chia sẻ: Dâu tây đang được HTX bán quả tươi và cấp đông khoảng 30% sản lượng cung cấp cho hệ thống nhà hàng làm bánh, mứt, siro và sinh tố. HTX đã đẩy mạnh quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, có trang fanpage của HTX nhận đơn đặt hàng trực tuyến và tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh thương mại, kết nối tiêu thụ ở khu vực miền Nam và xuất khẩu. Năm nay, HTX đang làm thủ tục xin cấp mã số vùng trồng xuất khẩu, hoàn thiện hồ sơ được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình GlobalGAP và sẵn sàng các thủ tục cần để kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu quả dâu tây tươi sang thị trường Pháp và Malaysia. Đồng thời, HTX cũng đã tái ký hợp đồng vận chuyển với các hãng hàng không Việt Nam, các hãng tàu trong nước và Công ty dịch vụ vận chuyển đông lạnh Bắc Nam đảm bảo vận chuyển hàng hóa, đáp ứng sản lượng tiêu thụ dâu tây quả tươi tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh là 120 tấn, gấp đôi năm 2021.

Còn HTX Quý Huy, xã Chiềng Mung, hiện có 55 ha cây ăn quả các loại, sản lượng khoảng 500 tấn/năm. Ông Nguyễn Quý Huy, Giám đốc HTX, chia sẻ: Nâng cao chất lượng sản phẩm, đăng ký truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn VietGAP và đầu tư tem, nhãn trích xuất nguồn gốc là một trong những giải pháp tiền đề để HTX thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm nông sản địa phương bền vững, hiệu quả. Từ chỗ chưa có đầu ra tiêu thụ ổn định, hiện HTX đã liên kết tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn với các HTX trên địa bàn, cung ứng hàng hóa nông sản cho hệ thống cửa hàng an toàn trong tỉnh. Dự kiến năm 2022, HTX đầu tư chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ, đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển đa dạng các sản phẩm nông sản, tiếp cận với khách hàng bằng đa hình thức bán hàng trực tuyến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội, tạo cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm rộng khắp.

Huyện Mai Sơn hiện có 148 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã cơ cấu lại tổ chức, chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chủ động trong việc lên phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đẩy mạnh chế biến sâu, phát triển đa dạng các sản phẩm nông sản địa phương. Đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và nông hộ trong phát triển sản xuất, chế biến, trong năm 2020 và 2021, huyện Mai Sơn đã hỗ trợ 35 HTX và doanh nghiệp xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức chứng nhận, đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hoặc các tiêu chuẩn tương tự; hỗ trợ in nhãn mác, mua bao bì đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ; hỗ trợ HTX tham gia liên kết được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm, với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1,2 tỷ đồng. Năm 2022, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu, đề xuất UBND huyện hỗ trợ 15 lượt HTX về chứng nhận, đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP; hỗ trợ bao bì, nhãn mác truy xuất nguồn gốc, tổng kinh phí dự kiến 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp tham gia hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 50 chuỗi cung ứng, nông lâm thủy sản an toàn; 6 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Cùng với sự hỗ trợ của huyện, các HTX cần tiếp tục đổi mới các hình thức xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng nông sản, đặc biệt là nông sản chủ lực. Thực hiện đồng bộ từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng được hình ảnh thương hiệu thông qua việc quảng bá nông sản nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho các HTX và người dân trên địa bàn.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới