Năm nay, huyện Sông Mã gieo trồng và chăm sóc hơn 31.000 ha cây trồng các loại. Thời điểm này, các diện tích cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển mạnh. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, một số diện tích đã xuất hiện sâu bệnh hại. Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn điều tra, dự báo tình hình sâu bệnh; hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Qua rà soát, toàn huyện có 176 ha cây trồng bị nhiễm sâu bệnh hại. Trong đó, 5 ha lúa xuất hiện bệnh rầy lưng trắng, rầy nâu, mật độ gây hại phổ biến 227 con/m²; 90 ha nhãn xuất hiện bọ xít, bệnh thán thư và sâu ăn lá; 81 ha xoài bị nhiễm bệnh thán thư, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 3 đến 15% cành lá. Các cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn người sản xuất theo dõi, bám sát diện tích cây trồng, phát hiện sớm các sinh vật gây hại; thực hiện các biện pháp phòng trừ, áp dụng kỹ thuật tăng khả năng chống chịu của cây trồng đối với sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết: Trung tâm đã phân công cán bộ kỹ thuật phối hợp với các xã theo dõi và dự báo quy mô, mức độ của từng đối tượng sinh vật gây hại để triển khai các biện pháp loại trừ kịp thời, hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn về các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng, trong đó hướng dẫn nông dân sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ. Với khu vực có mật độ sâu bệnh cao, thực hiện phun kép 2 lần, mỗi lần cách nhau 10-15 ngày. Tăng cường theo dõi diện tích bị bệnh hại sau phòng trừ để có biện pháp ngăn chặn, không để lây lan diện rộng.
Gần 6 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 7 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng cho 230 người. Phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền 117 cuộc với hơn 5.000 lượt người tham gia, trong đó lồng ghép nội dung phòng trừ sâu bệnh hại cho cây trồng, thu gom vỏ bao thuốc BVTV sau sử dụng.
Sau những ngày thời tiết nắng nóng kéo dài kèm các đợt mưa rào, độ ẩm cao đã dẫn đến xuất hiện bọ xít gây hại cho diện tích nhãn. Bà Lò Thị Phỏng, bản Bó, xã Chiềng Khương, cho biết: Gia đình tôi có 0,5 ha nhãn, trong đó, khoảng 0,1 ha bị sâu bệnh. Gia đình đã mua thuốc BVTV theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện để phun loại trừ. Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp ngắt cành sâu bệnh và đốt các ổ trứng, ổ bọ xít non.
Hiện nay, diện tích lúa của xã Chiềng En đang vào giai đoạn làm đòng, trổ bông nhưng đã có khoảng 1,5 ha lúa của bản Hua Lưng và bản Ten đang bị bệnh rầy nâu, rầy lưng trắng. Ông Tòng Văn Tiện, cán bộ địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường xã, cho biết: Chúng tôi đã hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc nội hấp và thuốc ức chế sinh trưởng sinh vật gây hại như Cytoc 250WP, Conphai 10WP, Actara 25WG... để phun loại trừ. Đến nay, diện tích lúa bị sâu bệnh hại tại bản Hua Lưng đã được loại trừ, đối với bản Ten đang tiếp tục giám sát.
Nhờ bám sát cơ sở, triển khai kịp thời các giải pháp phòng trừ, đến nay, mật độ sâu bệnh hại trên các diện tích cây trồng ở huyện Sông Mã đã giảm hẳn; nhiều khu vực được loại trừ hoàn toàn. Đảm bảo sản xuất vụ xuân hè đạt kết quả, các cơ quan chuyên môn khuyến cáo bà con không chủ quan, lơ là, tăng cường theo dõi và bổ sung dinh dưỡng cho diện tích cây trồng, chủ động phòng trừ sâu bệnh hại, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!