Rừng Tướng Giáp - Địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước

Cách đây hơn 70 năm, trên đường hành quân lên chiến trường Điện Biên Phủ lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn quân giải phóng đã nghỉ chân tại Khu rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên. Hiện nay, cánh rừng luôn được nhân dân trong khu vực chung tay bảo vệ và trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Giọng nữ
Rừng bản Nhọt, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.
Toàn cảnh Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp - Khu rừng bản Nhọt và Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.

Khu rừng bản Nhọt có diện tích trên 300 ha, nằm bên đường 13A (nay là quốc lộ 37) - tuyến giao thông huyết mạch nối liền căn cứ địa Việt Bắc với chiến trường Điện Biên Phủ. Bao quanh bởi 2 dãy núi với nhiều lớp cây rừng dày đặc che khuất tầm nhìn của máy bay địch, rừng bản Nhọt là điểm trú quân an toàn của bộ đội ta trên đường ra trận, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khu di tích được huyện Phù Yên chọn làm điểm tổ chức Lễ giao, nhận quân hằng năm.

Cuối năm 1953, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị cho chiến dịch, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Sơn La, quân và dân huyện Phù Yên tích cực tham gia phục vụ “Chiến dịch mở đường” với quy mô lớn. Hàng nghìn nam, nữ thanh niên tích cực góp sức mở đường 13A nối từ Yên Bái sang đường số 41 (quốc lộ 6) là tuyến đường huyết mạch nối giữa chiến khu Việt Bắc lên Sơn La, qua địa phận huyện Phù Yên có chiều dài gần 100 km.

Cùng thời gian này, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho Đại đoàn 308 vượt sông Hồng, trong đó Trung đoàn 36 đi trước, cùng với Trung đoàn Sơn pháo 675 của Đại đoàn 351 tăng cường cho mặt trận Điện Biên Phủ. Pháo và đạn dược được vận chuyển bằng xe ô tô, còn các chiến sĩ đều hành quân bộ. 

Các tân binh tham gia nghĩa vụ Quân sự và nghĩa vụ Công an nhân dân năm 2024 của huyện Phù Yên dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thời gian đó, bất chấp máy bay địch ngày đêm bắn phá các trọng điểm, như: Đèo Lũng Lô, đèo Ban, đèo Nhọt, Phiêng Ban, bến phà Tạ Khoa, đèo Chẹn… Hàng trăm thanh niên các dân tộc của huyện Phù Yên vẫn luôn bám đường, mở thông tuyến, cùng bộ đội và 20.000 dân công cả nước vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược cho bộ đội, tập trung sức người, sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Yên dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Phù Yên là địa bàn quan trọng việc trú quân của các đội hành quân lên hướng Tây Bắc, bởi Phù Yên có đường nối liền với Chiến khu Việt Bắc và Điện Biên Phủ, địa hình thuận lợi cho việc trú quân của ta.

Xuất phát từ Phù Yên, đường số 13A nằm khuất vào hai dãy núi, trong đó cánh rừng đèo Nhọt cây cối xanh tốt, với những thảm thực vật nghi binh, quanh năm mây phủ dày đặc, nên máy bay địch không thể bay vào thám thính khu vực này.

Giữa rừng bản Nhọt là thung lũng rộng gần 300 ha, có dòng suối Bùa chảy theo hướng Đông - Nam. Nơi đây cách xa khu vực trọng điểm mà máy bay Pháp đánh phá dữ dội, là bến phà Tạ Khoa, đèo Chẹn và ngã ba Cò Nòi, huyện Mai Sơn. Với vị trí địa lý đặc biệt như vậy, rừng đèo Nhọt trở thành điểm dừng trú quân an toàn của các đơn vị bộ đội trên đường tiến quân lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Chương trình ngoại khóa giáo dục truyền thống lịch sử tại khuôn viên Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xã Gia Phù, huyện Phù Yên.

Trung tuần tháng 11/1953, theo kế hoạch các đại đoàn, trung đoàn chính quy của ta lần lượt hành quân lên địa bàn Tây Bắc, Điện Biên Phủ để chuẩn bị cho cuộc đánh lớn theo phương châm mà Bác Hồ đã chỉ đạo, đó là: Tích cực, chủ động, cơ động và linh hoạt. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cử làm Tổng Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ.

Đại đoàn 316 là đơn vị đầu tiên tiến về Điện Biên Phủ, đến ngày 15/11/1953, Đại đoàn vượt sông Đà (khu bến Vạn). Tiếp đến là Trung Đoàn 57 từ Phú Thọ được lệnh hành quân gấp lên Tây Bắc tiến theo đường Gia Phù, nghỉ chân tại khu rừng bản Nhọt, trước khi hành quân lên Điện Biên Phủ. Một số đơn vị khác hành quân lên mặt trận Điện Biên Phủ đi qua rừng đèo Nhọt và cũng đều nghỉ chân tại đây.

Tháng 12/1953, Bộ Chính trị quyết định chọn Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến, chiến lược trong chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954. Đại đoàn 312 trước đó vẫn giấu quân ở một khu rừng già tại Yên Bái, được lệnh tiến gấp lên Tây Bắc, qua đèo Lũng Lô, sang Phù Yên đã dừng chân ở khu đèo rừng bản Nhọt. 

 Rừng Tướng Giáp được nhân dân bảo vệ và giữ gìn.

Ngày 5/1/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và một bộ phận chỉ huy hành quân lên Tây Bắc theo đường 13A qua Phù Yên và đã nghỉ chân tại rừng bản Nhọt. Lớp lớp cây rừng dày đặc đã trở thành “mái nhà” che chở an toàn cho đoàn quân. Để tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Đại tướng, người dân địa phương đã đặt cho khu rừng với những cái tên hàm chứa bao tình cảm thân thương: “Rừng Tướng Giáp”

Khu "Rừng Tướng Giáp" được cấp ủy, chính quyền và nhân dân coi trọng bảo vệ.
Cán bộ kiểm lâm phối hợp cùng nhân dân xã Gia Phù thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng.

Ghi nhớ dấu tích lịch sử gắn với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2008, UBND tỉnh Sơn La công nhận khu rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp dừng chân trên đương ra chiến dịch là di tích lịch sử cấp tỉnh. Cuối năm 2021, huyện Phù Yên khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại khu rừng này. Đến năm 2023, UBND tỉnh Sơn La công nhận điểm du lịch Khu di tích lịch sử kháng chiến chống Pháp - Khu rừng bản Nhọt và Đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nơi đây, đang trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới