Với lợi thế diện tích mặt hồ lớn, những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở xã Mường Trai (Mường La) tập trung đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng, vừa nâng cao thu nhập, vừa góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Nông dân xã Mường Trai nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Ảnh: PV
Mường Trai hiện có gần 1.300 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La. Từ tiềm năng này, xã đã định hướng nhân dân trong xã đầu tư nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã bám nắm cơ sở, hướng dẫn bà con phương pháp lựa chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá nuôi. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn kiến thức nuôi cá cho nhân dân; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện để các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi... Đến nay, Mường Trai có 70 hộ nuôi cá lồng, 1 HTX nuôi trồng thủy sản và 1 tổ hợp tác nuôi cá lồng, với tổng số 260 lồng cá. Ngoài các giống cá địa phương như: trắm, chép, rô phi..., các hộ nuôi thêm các loại cá đặc sản khác, giá trị kinh tế cao, như: Cá lăng, chày, quất, nheo, diêu hồng... mỗi năm cung cấp ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm các loại. Tính riêng năm 2018, sản lượng cá của Mường Trai trên 90 tấn, doanh thu gần 6,5 tỷ đồng, nâng thu nhập của người dân trên địa bàn lên 17 triệu đồng/người/năm, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 34% năm 2017 xuống còn 25,5% vào năm 2018.
Gia đình ông Lò Văn Chờ, bản Phiêng Xe là một trong những hộ nuôi cá lồng đạt hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, gia đình ông đầu tư trên 60 triệu đồng làm 6 lồng cá và mua các giống cá trắm, chép, rô phi đơn tính về nuôi. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, đàn cá của gia đình ông phát triển nhanh, không có dịch bệnh. Năm 2017, ông tiếp tục đầu tư thêm 4 lồng cá. Mỗi năm, xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn cá thương phẩm, với giá bán cá trắm, chép là 100 nghìn đồng/kg; cá rô phi, cá mè từ 50-60 nghìn đồng/kg..., thu về gần 100 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Lường Văn Thủy, bản Cang Mường cũng đạt hiệu quả khá, hiện với 8 lồng nuôi cá, chủ yếu là các giống cá quất, ngạnh, trắm đen..., trọng lượng trung bình từ 3- 5 kg/con; được chăm sóc đúng kỹ thuật, tận dụng nguồn thức ăn phong phú, đa dạng tại địa phương, vậy nên giá bán cũng cao hơn hẳn so với các loại cá khác, mỗi năm nhà anh thu khoảng 200 triệu đồng.
Có thể thấy việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã và đang mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và sản xuất bền vững, lâu dài cho người dân vùng TĐC thủy điện Sơn La trên địa bàn xã. Để nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện của xã phát triển bền vững, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập, Mường Trai tiếp tục định hướng cho người dân chăn nuôi cá đúng quy trình kỹ thuật gắn với bảo vệ mặt nước vùng nuôi; liên kết sản xuất theo chuỗi và mở rộng giới thiệu sản phẩm cá lồng Mường Trai để tìm đầu ra cho sản phẩm...
Diệu Thúy (Trung tâm TT-VT Mường La)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!