Sau trận lũ quét đầu tháng 8 năm vừa qua tại huyện Mường La, đời sống người dân, điều kiện tái đầu tư sản xuất của các hộ gia đình vùng lũ gặp rất nhiều khó khăn. Trước yêu cầu phải khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ các hộ gia đình tại các bản khu vực dọc suối Nặm Păm xây dựng mô hình nuôi gà lông màu để sớm có sản phẩm thu hoạch, nhanh chóng ổn định và nâng cao đời sống.
Mô hình nuôi gà an toàn tại bản Nà Nong, thị trấn Ít Ong (Mường La).
Trên cơ sở khảo sát điều kiện sản xuất tại địa bàn sau lũ, tập quán chăn nuôi, nhu cầu sản xuất trước mắt của bà con vùng lũ và thị trường tiêu thụ sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chọn mô hình chăn nuôi gà lông màu, không những đáp ứng được các yêu cầu trên mà còn có ưu điểm là nhanh có sản phẩm thu nhập chỉ sau 3 tháng. Mặt khác, mô hình còn hướng đến mục tiêu thay đổi phương thức chăn nuôi của bà con trong vùng và khu vực lân cận từ chăn nuôi nhỏ lẻ, không có chuồng trại, chưa có biện pháp quản lý vệ sinh phòng chống dịch bệnh, sang chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, nâng cao thu nhập ổn định lâu dài, bền vững.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Sơn La thực hiện mô hình tại 2 địa bàn bị ảnh hưởng thiệt hại nặng nề nhất do lũ quét là xã Nặm Păm và thị trấn Ít Ong, quy mô 4.100 con gà thịt, với 41 hộ tham gia (mỗi hộ 100 con) được hỗ trợ 100% con giống, vật tư. Các hộ tham gia mô hình được lựa chọn thông qua cuộc họp dân (Nặm Păm 31 hộ, thị trấn Ít Ong 34 hộ) đảm bảo công khai, dân chủ, công bằng.
Mô hình đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện triển khai kịp thời theo tiến độ đề ra. Các bước triển khai mô hình thực hiện chu đáo, tuân thủ đúng các yêu cầu; đã hỗ trợ 4.100 con gà mía lai giống khỏe mạnh được kiểm dịch, tiêm phòng đầy đủ và cấp 21.320 kg thức ăn hỗn hợp, 16.400 liều vắc xin phòng bệnh, 2050 lít hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng trại; tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia. Đồng thời, cử mỗi cán bộ phụ trách một điểm mô hình để thường xuyên theo dõi, hướng dẫn các hộ thực hiện mô hình đúng quy trình. Do vậy, 100% hộ tham gia mô hình thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Mục tiêu đề ra là đàn gà có tỷ lệ nuôi sống ≥ 93%; hiệu quả kinh tế của hộ tham gia mô hình tăng so với ngoài mô hình ít nhất 10%. Kết quả mô hình vượt trên cả sự mong đợi, sau 3 tháng triển khai, lần lượt các chỉ tiêu trên đạt 94,24% và 13,8%, mỗi hộ có thu nhập khoảng 6,4 triệu đồng từ tiền bán gà, góp phần cải thiện kinh tế gia đình, giải quyết được tình trạng thiếu thực phẩm tại chỗ. Ngoài những hộ tham gia mô hình, các hộ xung quanh cũng học tập và làm theo thông qua tham quan, hội thảo, tập huấn ngoài mô hình. Mô hình đã tạo cơ hội cho người chăn nuôi vùng bị thiên tai và vùng lân cận được tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, từ đó thay đổi các thói quen lạc hậu trong chăn nuôi, chưa chú ý đến quy trình phòng bệnh, sang chăn nuôi an toàn giảm thiểu nguy cơ rủi ro lây truyền dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế, không làm ảnh hưởng tới môi trường.
Việc thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu tại vùng lũ huyện Mường La phù hợp với nguyện vọng của người dân và định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đánh giá cao. Theo khảo sát của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thì nhu cầu thị trường sản phẩm gà thịt trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Mường La nói riêng còn lớn, mô hình nuôi gà an toàn dễ áp dụng với đa số các hộ dân. Trong điều kiện sản xuất và đời sống của bà con vùng lũ còn khó khăn, rất mong các cấp, các ngành tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình và tạo điều kiện cho hộ chăn nuôi sản xuất có hiệu quả, giúp người dân có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!