Để nghề nuôi cá lồng ở Chiềng Lao phát triển bền vững

Xã Chiềng Lao (Mường La) là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi về diện tích mặt nước hồ thủy điện Sơn La trong việc đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng. Tận dụng lợi thế này, những năm qua, nhân dân xã Chiềng Lao đã đầu tư lồng bè nuôi cá, liên kết các nhóm hộ, thành lập hợp tác xã nuôi thủy sản, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

 

Mô hình nuôi cá lồng của người dân xã Chiềng Lao.

 

Thực hiện Dự án di dân TĐC thủy điện Sơn La, hàng trăm hộ dân của các bản trên địa bàn xã Chiềng Lao thuộc vùng lòng hồ đã nhường đất phục vụ xây dựng công trình thủy điện Sơn La. Vì vậy, một phần diện tích đất canh tác của người dân bị thu hẹp và vùng mặt nước ngập lại mở ra một hướng mới cho phát triển nghề nuôi cá lồng. Năm 2011, 8 lồng cá đầu tiên của 8 hộ dân được hỗ trợ từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, các hộ nuôi cá đã đầu tư hệ thống lồng cá kiên cố bằng sắt, tăng thời gian sử dụng. Trong quá trình nuôi cá, các hộ dân đã tận dụng nguồn thức ăn phong phú tại địa phương, kết hợp trồng cỏ voi phục vụ nuôi thủy sản. Với thời gian nuôi từ 7 tháng đến 1,5 năm, mỗi lồng cho thu hoạch khoảng 5,5 tạ cá, sau khi trừ chi phí, đã cho thu nhập khoảng 10 triệu đồng/lồng.

Ông Đoàn Quang Mạnh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lao cho biết: Cùng với sự hỗ trợ theo Nghị quyết 88 của HĐND tỉnh, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh cho cá, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vốn, con giống nuôi cá lồng. Chính vì vậy, số lượng lồng nuôi cá tăng từ 173 lồng năm 2016 lên 273 lồng năm 2018 tại 9 bản trên địa bàn xã. Không chỉ phát triển nuôi cá lồng hộ gia đình, hiện xã còn thành lập 2 HTX nuôi thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm đang gặp khó khăn bởi các HTX chưa ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cá đến kỳ thu hoạch, hoặc đánh bắt bán tại địa phương, một số xã lân cận hoặc đợi các nhà hàng có nhu cầu. Do vậy, trong kế hoạch phát triển, quan điểm của xã là không phát triển ồ ạt.

HTX Bình Minh được thành lập năm 2016, trên cơ sở liên kết các nhóm hộ sản xuất tập trung. HTX gồm 7 thành viên với 56 lồng nuôi các loại cá truyền thống như: trắm cỏ, rô phi đơn tính, diêu hồng... và một số loại cá đặc sản: nheo, lăng vàng, trắm đen. Anh Cà Văn Siêng, Giám đốc HTX Bình Minh, cho biết: Hiện nay, cá thương phẩm của HTX được bán với giá 70.000 đồng/kg cá nheo; 45.000 đồng/kg rô phi đơn tính; 90.000 đồng/kg cá trắm cỏ, sản lượng trung bình 3 tạ/tháng, chủ yếu bán nhỏ lẻ trên địa bàn xã, huyện và cung cấp cho một số nhà hàng kinh doanh ẩm thực, một số thương lái địa phương và huyện Than Uyên (Lai Châu), nên đầu ra cho sản phẩm từ cá chưa ổn định. Chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành tăng cường hỗ trợ các HTX phát triển nghề nuôi thủy sản, sản xuất theo chuỗi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Nghề nuôi cá lồng ở Chiềng Lao đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động địa phương. Tuy nhiên, để phát triển bền vững gắn với ổn định đầu ra cho sản phẩm, các ngành chức năng cần khuyến khích, xây dựng thương hiệu cá lồng Sơn La theo tiêu chuẩn VietGAP. Đề ra một số giải pháp phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống và kiểm dịch cá giống nhập vào; nâng cao chất lượng nguồn thức ăn cho thủy sản nhằm hạn chế chất thải ra môi trường nuôi và môi trường xung quanh; nhân rộng mô hình nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguyễn Yến
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới