Ở xã vùng cao Ngọc Chiến, huyện Mường La, sơn tra vốn là cây rừng mọc tự nhiên, diện tích ban đầu chỉ khoảng vài trăm héc ta. Những năm trở lại đây, quả sơn tra được biết đến là một loại dược liệu điều trị một số bệnh và được chế biến ra một số thành phẩm nước giải khát, sirô... Cây sơn tra dần trở thành cây trồng chính, vừa phục vụ trồng rừng, vừa đem lại lợi ích kinh tế cho bà con vùng cao, dân tộc thiểu số.
Người dân bản Ngam La, xã Ngọc Chiến thu hái quả sơn tra.
Nghe người dân truyền miệng, sơn tra ở bản Nậm Nghiệp được trồng trên núi cao, sương mù bao phủ quanh năm, quả to, có vị thơm, ngọt đặc trưng. Từ trung tâm xã chúng tôi vượt hơn chục km đường đèo, dốc đứng, cua tay áo để đến bản Nậm Nghiệp. Đường lên bản mới chỉ đi được bằng phương tiện xe máy, chốc chốc lại bắt gặp những chiếc xe máy chở sơn tra xuống chợ huyện bán. Phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ mới đến được bản Nậm Nghiệp, từ xa những vườn sơn tra trĩu quả chín vàng xen lẫn những quả sơn tra má hồng, rực cả một vùng, thơm lựng.
Nậm Nghiệp là một trong những bản có diện tích sơn tra lớn nhất xã Ngọc Chiến, chiếm khoảng 36% so với tổng diện tích sơn tra của xã. Đến nay, bản có hơn 400 ha rừng sơn tra tự nhiên và trồng mới, trong đó, 300 ha đang cho thu hoạch. Cứ đến mùa thu hoạch, thương lái huyện Mường La và các huyện lân cận của Yên Bái đến tận vườn thu mua. Năm 2017, tuy mất mùa, nhưng được giá, với năng suất trung bình đạt 2-3 tấn quả/ha, giá bán tại vườn từ 20.000-25.000 đồng/kg, có hộ thu về hàng trăm triệu đồng.
Mùa này, đã vào vụ, bà con trong bản rủ nhau vào rừng, mang theo chiếc lu cở (gùi) để hái sơn tra. Vì đang làm đường nên ô tô không thể đến tận bản thu mua, đàn ông trong bản sẽ chở sơn tra xuống chợ huyện, sang Yên Bái để bán. Thăm vườn sơn tra của gia đình anh Thào A Vạng, chủ nhà mến khách vừa mời chúng tôi thưởng thức những trái sơn tra chín vàng tại vườn, anh Vạng vừa chia sẻ: Vườn sơn tra của gia đình tôi có 4 ha cho thu hoạch. Năm nay, sơn tra được mùa, năng suất có thể đạt 4-5 tấn/ha, nhưng giá mua tại vườn hiện tại chỉ 4.000-6.000 đồng/kg, tính ra cả vụ cho thu khoảng 50 triệu đồng. Trước mắt, gia đình chủ yếu thu hái nhỏ, lẻ chở xuống chợ bán với giá 10.000 đồng/kg, cao hơn giá bán tại vườn 4.000-6.000 đồng/kg.
Những ngày này, sơn tra được bày bán ở các chợ, ngoài bán quả tươi, sơn tra còn được thái lát, phơi khô, đóng gói, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, việc phơi khô còn nhằm mục đích dễ bảo quản và làm hàng hóa bán trong thời điểm không có sơn tra tươi. Giá sơn tra năm nay, nhìn chung thấp hơn so với mọi năm, giá bán trung bình tại vườn từ 5.000-7.000 đồng/kg, giá sơn tra bán lẻ tại các chợ đầu mối đa dạng hơn, sơn tra được phân loại, tùy vào mẫu mã, chất lượng dao động từ 10.000-20.000 đồng/kg. Hiện, toàn xã Ngọc Chiến, có trên 1.200 ha sơn tra, trong đó 700 ha đang cho thu hoạch. Đến nay đã thu hoạch khoảng 80% diện tích, năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha, giá bán thấp nhất 5.000 đồng/kg, tính ra 1 ha cho thu khoảng 20 triệu đồng.
Ông Lò Văn Pháng, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Diện tích sơn tra trồng mới của toàn xã gấp 3 lần rừng sơn tra tự nhiên là nhờ các chính sách phát triển rừng theo Dự án 661, Chương trình 30a... Hằng năm, ngoài thu lợi từ bán quả sơn tra, bà con các bản còn được chi trả dịch vụ môi trường rừng, nhiều bản đã tự ươm giống trồng xen vào đồi đất trống, mở rộng sản xuất gắn với công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thay đổi tập quán canh tác, du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số. So với năm ngoái, giá sơn tra năm nay thấp hơn, nhưng đổi lại được mùa nên thu nhập từ sơn tra vẫn tương đối ổn định, cao hơn trồng ngô, sắn.
Lợi ích kép từ trồng rừng sơn tra gắn với trồng rừng phòng hộ, đã gắn kết bà con vùng cao xã Ngọc Chiến với rừng, làm tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương. Về lâu dài, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm quả sơn tra, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng rừng, rất cần các cơ sở, doanh nghiệp đứng ra thu mua quả tươi, chế biến các sản phẩm từ quả sơn tra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!