Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La có tổng diện tích hơn 15.800 ha, là khu bảo tồn thiên nhiên thứ 5 của tỉnh, có vai trò quan trọng trong công tác phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ, cung cấp nguồn nước trực tiếp cho các nhà máy thủy điện trong khu vực, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Lực lượng kiểm lâm Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La tuần tra bảo vệ rừng.
Cách trung tâm huyện khoảng 20 km, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La nằm trên địa bàn 3 xã Hua Trai, Nặm Păm và Ngọc Chiến. Rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La khá đa dạng sinh học. Theo kết quả khảo sát ban đầu, hệ thực vật đã thống kê được 622 loài thuộc 130 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 27 loài thực vật quý hiếm. Đặc biệt một số loài có giá trị bảo tồn cao như Pơ mu, Du sam, Thông đỏ, Lan kim tuyến... Hệ động vật thống kê được 323 loài thuộc 97 họ, 28 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư. Đặc biệt có loài Niệc cổ hung, Vượn đen tuyền rất quý hiếm có giá trị bảo tồn cao. Riêng loài Vượn đen tuyền chỉ còn gần 100 cá thể tại Việt Nam và đang bị đe dọa tuyệt chủng cao, hiện chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc.
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường La được thành lập tháng 3/2016, có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, phục hồi tài nguyên và cảnh quan thiên nhiên trên diện tích giao; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên cho cộng đồng dân cư; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên. Ông Đào Văn Tưởng, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thông tin: Để giữ gìn tính đa dạng sinh học tại đây, các kiểm lâm viên thường xuyên phối hợp với tổ tuần tra bảo vệ rừng thuộc Tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế FFI tuần tra rừng, giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu các loài động thực vật hoang dã. Qua đó, đã ghi nhận hoạt động của loài Vượn đen tuyền tại 5 khu vực Hua Kẻ, Hua Khoa, Hua Sâng, Huổi Lát, đỉnh Tà Xùa. Hiện, chúng tôi đang nghiên cứu, tìm hiểu các loài thực vật là thức ăn chủ yếu của loài Vượn đen tuyền để bảo tồn và phát triển, đảm bảo nguồn thức ăn cho loài Vượn quý hiếm này. Bên cạnh đó, tháng 6/2017, trong quá trình tuần tra rừng, có phát hiện một loài cá cóc nghi là loài mới, tại tiểu khu 102, khoảnh 2a, 2b thuộc xã Nặm Păm.
Song song với công tác tuần tra, giám sát đa dạng sinh học, công tác bảo vệ, phát triển rừng cũng luôn là nhiệm vụ trọng tâm. Anh Quàng Văn Sơn, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Hua Trai, cho biết: Chúng tôi thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản trên địa bàn. Hướng dẫn, chỉ đạo các tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR cấp bản tuần tra, kiểm tra các ngăn chặn hoạt động khai thác lâm sản trái phép, phá rừng làm nương. Riêng các tháng cao điểm mùa khô, các kiểm lâm địa bàn đã bám sát cơ sở, nắm bắt tình hình diễn biến rừng, trực cháy 24/24 giờ, giám sát người và phương tiện ra vào rừng những ngày có nguy cơ cháy cao. Nhờ đó, 2 năm qua, trên địa bàn không xảy ra vụ cháy rừng nào. Chỉ tính riêng từ năm 2017 tới nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn đã tổ chức 31 hội nghị tuyên truyền tại các bản, với gần 2.000 lượt người nghe, quán triệt, ký cam kết bảo vệ rừng, thực hiện quy định an toàn về PCCCR. Đồng thời, phát hiện 3 vụ phá rừng tại bản Pá Han, Pá Múa (Hua Trai); tạm thu giữ 2 súng kíp, 1 túi đựng thuốc súng, đạn và kíp nổ, 16 bẫy thú rừng, 3 máy cưa...
Tuy nhiên, do địa bàn có địa hình dốc, chia cắt khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ, ngăn chặn các hành vi vi phạm cũng như công tác PCCCR. Mặt khác, cuộc sống người dân các xã thuộc Khu bảo tồn vẫn còn nhiều khó khăn, người dân sống phụ thuộc vào rừng và thu nhập chủ yếu từ các sản phẩm của rừng. Việc tăng dân số cơ học, do tái định cư các công trình thủy điện làm thiếu đất sản xuất nông nghiệp nên người dân tác động vào rừng ngày càng gia tăng.
Để bảo vệ cảnh quan, bảo vệ đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng trong Khu bảo tồn, rất cần đầu tư hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế cho người dân và nhân rộng các mô hình sản xuất, mô hình nông lâm, giảm thiểu tác động không có lợi của người dân đến khu bảo tồn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!