Nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, huyện Mai Sơn có điều kiện thuận lợi về mọi mặt để mở rộng phát triển các vùng nguyên liệu gắn với chế biến. Với những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại, huyện Mai Sơn đã phối hợp với các ngành của tỉnh mời gọi, thu hút đầu tư phát triển đa dạng các ngành hàng công nghiệp chế biến, xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản bền vững, trở thành trung tâm chế biến nông sản của tỉnh.
Ảnh: PV
Tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, huyện Mai Sơn đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh đã xây dựng, ban hành các kế hoạch phát triển kinh tế gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ cho các nhà máy chế biến; hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng trên địa bàn theo quy hoạch. Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp, không ngừng đổi mới nâng cao năng lực điều hành kinh tế, nâng cao mức độ hài lòng, triển vọng về môi trường kinh doanh và đầu tư.
Với lợi thế giao thông thuận lợi, tiềm năng nguồn tài nguyên đa dạng, dồi dào, trên địa bàn huyện hiện có 8 cơ sở chế biến nông sản cà phê, nhãn, mía, sắn, hoa quả đang hoạt động sản xuất, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại, gồm: Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La thu mua, chế biến 45.000 tấn cà phê/năm; Công ty cổ phần Mía đường Sơn La chế biến khoảng 500.000 tấn mía/năm; Công ty cổ phần Chế biến nông sản Phú Yên, Chi nhánh Sơn La và Công ty cổ phần Chế biến nông sản BHL chế biến khoảng trên 150.000 tấn sắn/năm; Công ty TNHH MTV Đạt Thủy chế biến 300 tấn hoa quả/năm; HTX xây dựng và phát triển nông thôn chế biến 60.000 tấn cà phê/năm; HTX Dịch vụ nhãn chín muộn chế biến 650 tấn nhãn/năm; Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La đang được đầu tư xây dựng, công suất chế biến khoảng 500.000 tấn rau, quả/năm...
Công ty cổ phần Mía đường Sơn La là một trong những doanh nghiệp chế biến đã có thời gian hoạt động lâu nhất ở Mai Sơn, không ngừng đầu tư dây chuyền sản xuất tự động, hiện đại, nâng cao công suất, tạo việc làm cho lao động địa phương. Trong niên vụ sản xuất năm 2020-2021, Công ty ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho khoảng 10.000 hộ với gần 7.700 ha. Công ty đã cung ứng hoàn trả sau khi thu hoạch gần 130 tỷ đồng, gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tiền mặt và hỗ trợ không hoàn trả 33,5 tỷ đồng giống, tiền làm đất và làm đường giao thông nội đồng.
Thông tin về kế hoạch sản xuất năm nay, ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty cổ phần Mía đường Sơn La đầu tư gần 30 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng nhà xưởng, nâng công suất thiết kế; ký kết mở rộng hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trên 10.000 hộ dân với hơn 9.000 ha, nâng sản lượng sản xuất đường lên gần 60 tấn. Hiện, Công ty tạo việc làm thường xuyên cho 39 lao động địa phương.
Thời điểm này, huyện Mai Sơn đang bước vào vụ thu hoạch nhãn, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tiêu thụ nhãn quả tươi gặp khó khăn, các HTX và hộ nông dân chủ yếu thu hoạch phục vụ chế biến long. HTX Dịch vụ nhãn chín muộn hiện có 5 lò sấy nhiệt, công suất tối đa 7,5 tấn nhãn quả tươi/ngày. Ông Nguyễn Văn Phòng, Giám đốc HTX, cho biết: Nửa tháng nay, các lò sấy của HTX hoạt động liên tục chế biến long nhãn cung cấp cho một số doanh nghiệp. Ngoài thu mua, chế biến nhãn quả tươi của các thành viên HTX, HTX còn tiêu thụ, thu mua nhãn cho các hộ nông dân trên địa bàn Thành phố, Thuận Châu. Năm nay, HTX đã đầu tư làm 3 kho lạnh bảo quản, khối lượng hơn 400m² phục vụ bảo quản quả tươi, long nhãn sau khi sấy thành phẩm.
HTX Dịch vụ nhãn chín muộn, xã Chiềng Mung (Mai Sơn) sử dụng lò sấy long nhãn.
Ngoài ra, toàn huyện còn 112 lò sấy long nhãn thủ công và nhiệt hơi, công suất hơn 150 tấn/ngày và tận dụng các lò sấy tại huyện Sông Mã để đẩy mạnh chế biến quả tươi, dự kiến sẽ có khoảng hơn 8.500 tấn nhãn quả tươi được chế biến long. Đồng thời, sử dụng hệ thống kho lạnh đã đầu tư, bảo quản gần 2.000 tấn nhãn quả tươi phục vụ chế biến sau vụ. Còn lại đẩy mạnh tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu bằng nhiều hình thức đa dạng.
Hơn một năm nay, Dự án Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La được đầu tư xây dựng, kỳ vọng sẽ hình thành chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh, giải quyết đầu ra sản phẩm nông sản cho hàng ngàn hộ nông dân. Vùng nguyên liệu cho Trung tâm chế biến được mở rộng đến các huyện, như: Mường La, Quỳnh Nhai, Sông Mã, Sốp Cộp... Với quyết tâm cao độ, huyện Mai Sơn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các địa phương tạo điều kiện phát triển vùng nguyên liệu và đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án đảm bảo tiến độ cam kết.
Thông qua cải cách hành chính, thu hút đầu tư đã tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đa dạng các ngành công nghiệp chế biến trên địa bàn huyện Mai Sơn dần tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, huyện Mai Sơn trở thành một trong những trung tâm chế biến nông sản của tỉnh, huyện đã đề ra các nhóm giải pháp về xây dựng quy hoạch, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp chế biến; phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ; quan tâm vấn đề đất đai, quản lý môi trường; triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!