Xã Cò Nòi có lợi thế lớn bởi địa hình rộng, tương đối bằng phẳng, đáp ứng yêu cầu hình thành vùng sản xuất nguyên liệu lớn, quy mô tập trung theo hướng hàng hóa; cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng, thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, cây màu, trồng rừng và chăn nuôi gai súc, đại gia súc. Chính vì vậy, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương phát triển rất mạnh, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hội viên nông dân xã Cò Nòi ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong trồng cây ăn quả và rau màu.
Theo ông Lò Văn Tiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã, với lực lượng 1.535 hội viên, sinh hoạt tại 34 chi hội bản, tiểu khu, Hội duy trì phong trào “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; tăng cường dịch vụ, hỗ trợ nông dân trong công tác khuyến nông, khuyến lâm, dịch vụ vật tư nông nghiệp; nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, HTX Thanh Sơn, Công ty CP Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam... mở 40 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chiết ghép và cải tạo vườn tạp, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại cây ăn quả, xây dựng mô hình khuyến nông, chăn nuôi kết hợp xây dựng bể khí sinh học, thu hút 1.853 lượt nông dân tham gia; mở rộng các ngành nghề thương mại, dịch vụ; chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây giá trị kinh tế cao; vận động hội viên nông dân tham gia tổ hợp tác và HTX (trong năm 2019 thành lập mới 3 HTX), tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tại hội chợ của huyện, tỉnh và ngoài tỉnh.
Mô hình trồng bưởi Diễn tại HTX Tân Thảo, xã Cò Nòi (Mai Sơn).
Trong quá trình triển khai, Hội chủ động nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 6,3 tỷ đồng cho 343 hộ hội viên vay phát triển kinh tế; tư vấn và hướng dẫn hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hình thành các vùng kinh tế tập trung, như vùng trồng mía, ngô, rau sạch, nhãn ghép, na dai, xoài tại các tiểu khu: Bình Minh, Quyết Thắng, Thống Nhất, 3/2, 19/5, 26/6 và các bản: Co Muông, Nhạp, Mé Lếch; mô hình trồng dâu tây tại bản Xuân Quế, Huổi Dương, Tân Quế; trồng chanh leo ở bản Mòn, Hua Nong, Tân Quỳnh; nhiều mô hình trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt chuồng... mang lại thu nhập cao, ổn định, điển hình trồng trọt là hộ các ông: Lò Trường Sơn (bản Mòn); Lê Xuân Hòa (tiểu khu 3/2); Nguyễn Hữu Tứ (bản Mé Lếch)... cho thu nhập 600 đến gần 1 tỷ đồng/năm; chăn nuôi lợn của hội viên Nguyễn Văn Minh (tiểu khu 19/5), thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; dịch vụ, thương mại của các hội viên Vũ Văn Đức, Nguyễn Công Sửu (tiểu khu 3); Hoàng Văn Tiếp, Hoàng Thị Thu (tiểu khu Quyết Thắng) thu hàng tỷ đồng/năm... Toàn xã hiện có 781 hộ sản xuất kinh doanh giỏi (166 hộ cấp Trung ương, 98 hộ cấp tỉnh, 343 hộ cấp huyện và 324 cấp xã). Không chỉ vậy, còn tạo việc làm việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Đặc biệt, mô hình kinh tế của gia đình chị Lương Thị Thế (bản Kim Sơn) từ tự học hỏi, áp dụng kỹ thuật ghép nhãn chín muộn trên 3 ha, thu hoạch hơn 13 tấn nhãn quả, bình quân gần 290 triệu đồng/năm. Chị Thế chia sẻ, năm 2015 quyết định cải tạo, ghép nhãn chín muộn, sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel... 3 năm nay, năm nào cũng thu hơn 13 tấn quả; bên cạnh đó, nhà chị còn trồng 2,4 ha rau màu, ngô ngọt, hơn 200 gốc măng tây, nuôi hơn 2.000 con ếch... tổng thu nhập trung bình từ 350-500 triệu đồng/năm.
Thông qua phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội Nông dân xã Cò Nòi không chỉ khơi dậy khát vọng, ý chí làm giàu trong mỗi hội viên nông dân, mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!