Phát triển sản xuất phải gắn chặt với bảo vệ môi trường

Mai Sơn là một trong những huyện trọng điểm của tỉnh về phát triển nông nghiệp, việc mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hết sức sôi động. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường đang đặt ra những thách thức không nhỏ.

Báo động ô nhiễm môi trường do chăn nuôi, chế biến nông sản

Mai Sơn hiện có 4 đơn vị hoạt động chế biến nông sản, gồm: Công ty CP Mía đường Sơn La, Nhà máy chế biến tinh bột sắn (Công ty CP Phúc Sinh), HTX Xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh, Công ty CP Chế biến nông sản BHL Sơn La. Ngoài ra, còn có 55 hộ gia đình sơ chế cà phê quả tươi, chế biến tinh bột sắn, dong riềng và hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn quy mô từ trên 100 con. Cũng vì xử lý môi trường chưa tốt, nên nhân dân các khu vực xung quanh đang phải chịu ảnh hưởng bởi mùi hôi thối, nguồn nước bị ô nhiễm do các xưởng chế biến nông sản và chuồng trại chăn nuôi thải ra. Điển hình, như: ngày 4/1/2019, tại nguồn nước thô của Trạm cấp nước Nà Sản (bản Noong Phụ, xã Chiềng Mung) xuất hiện mùi hôi và chuyển màu đen, Xí nghiệp cấp nước Mai Sơn đã phải tạm dừng cấp nước 384 giờ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến 2.000 hộ khách hàng trên địa bàn Nà Sản và khu vực thị tứ Hát Lót. Nguyên nhân được xác định do Cơ sở điều trị nghiện ma túy tỉnh gây ô nhiễm từ việc chế biến tinh bột sắn. Cuối tháng 3, đầu tháng 4/2019, nhân dân tiểu khu 4 và tiểu khu 5 (thị trấn Hát Lót) phản ánh gay gắt tình trạng ô nhiễm nguồn nước; UBND huyện Yên Châu cũng phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt tại thác Pá Măn, bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông (Yên Châu), nước có màu nâu đen, rêu xám trắng, bọt nâu đen bốc mùi hôi thối. Đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra, thu thập dữ liệu, khảo sát, sơ bộ xác định nguồn phát thải gây ô nhiễm nguồn nước ngầm, bao gồm: 1 cơ sở chế biến mía đường của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La; 1 cơ sở chăn nuôi tại tiểu khu 19/5 (xã Cò Nòi); 3 cơ sở chế biến tinh bột sắn công suất 50 tấn - 100 tấn củ/ngày ở tiểu khu Thống Nhất và bản Nhạp (xã Cò Nòi)...

Nước thải từ cơ sở sản xuất tinh bột sắn của ông Nguyễn Tài Mùi, tiểu khu Thống Nhất, xã Cò Nòi xả thẳng ra môi trường.

Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ sở sản xuất tinh bột sắn của ông Nguyễn Tài Mùi tại tiểu khu Thống Nhất, xã Cò Nòi, được cho là đã gây ô nhiễm nguồn nước thác Pá Măm, bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông (huyện Yên Châu). Tại thời điểm phóng viên tiếp cận, dù cơ sở này đã dừng hoạt động do hết niên vụ thu hoạch, chế biến sắn, nhưng quan sát không hề thấy hệ thống xử lý nước thải; nước thải được lưu trữ trong ao và không được lót đáy để thẩm thấu xả thẳng ra môi trường. Những hộ dân sống gần các cơ sở chế biến nông sản đều rất bức xúc bởi mùi hôi thối và nước thải xả thẳng ra môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt. Người dân sống gần khu vực phản ánh: Vào vụ chế biến, cơ sở hoạt động liên tục đến 2-3h sáng; hồ chứa nước thải chỉ khoảng 200 m³ nên bùn, chất thải luôn tràn ra ngoài. Cơ sở này cũng có đường mương nước chạy về khu vực thác Pá Măn, bản Thèn Luông, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu. Còn hệ thống nước thải chăn nuôi của một số bản, tiểu khu thuộc xã Cò Nòi thì không có hệ thống thu gom và xử lý, mà xả thải tự nhiên về khu vực mó nước tiểu khu 4 và tiểu khu 5 (thị trấn Hát Lót). Ông Phí Văn Long, Trưởng bản Co Muông, xã Cò Nòi cho hay, cả bản có tới 50 hộ nuôi lợn (nhà nhiều 200 con, ít cũng 50 con), song hầu như không hộ nào có bể chứa nước thải, chủ yếu xả thẳng vào mương, rồi chảy ra suối...

Tại kết quả kiểm tra của Đoàn công tác Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh đối với các cơ sở, đơn vị gây ô nhiễm môi trường vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 có một nội dung được ghi rõ: Tại trại lợn của Công ty TNHH Minh Thúy (xã Cò Nòi), Đoàn phát hiện chủ cơ sở cho 1 hộ có vườn cây nằm liền kề sử dụng nước thải chăn nuôi để tưới cây (tổng lượng nước thải khoảng 60 m³), cơ sở này chưa có đề án bảo vệ môi trường gửi cơ quan quản lý Nhà nước...

Thực tế cho thấy, công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cấp huyện, xã ở Mai Sơn chưa thường xuyên, chủ yếu nhắc nhở, chưa quyết liệt trong xử lý vi phạm (năm 2018, mới xử lý 19 trường hợp, xử phạt 59 triệu đồng). Công tác tuyên truyền chưa thu hút được nhiều người dân quan tâm, hạn chế trong đấu tranh với những hành vi vi phạm về môi trường, còn e ngại, né tránh; chính quyền cơ sở chưa thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác bảo vệ môi trường; năng lực tổ chức quản lý môi trường cấp xã còn nhiều bất cập...

Cần có giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Giải thích về những bất cập trong công tác quản lý môi trường, ông Vũ Tiến Đĩnh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc giám sát hoạt động xử lý chất thải của các trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất gặp khó khăn vì chưa có hệ thống giám sát tự động; phụ thuộc vào ý thức, nhận thức của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; quy mô cơ sở chăn nuôi, sơ chế nông sản nhỏ, chủ yếu nằm trong khu dân cư, quỹ đất hạn chế, trong khi chăn nuôi, sơ chế nông sản là thu nhập chính của nhiều gia đình. Thêm nữa, chế tài xử lý đối với các cơ sở chăn nuôi, sơ chế nông sản quy mô nhỏ gặp khó khăn bởi các hộ không có điều kiện kinh tế; việc cưỡng chế thi hành còn nhiều khó khăn...

Cán bộ Trạm cấp nước Nà Sản kiểm tra mức độ ô nhiễm nguồn nước. (tháng 1/2019)

Để thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, huyện Mai Sơn cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành chức năng để có quy hoạch các khu sản xuất, chăn nuôi xa khu dân cư và đảm bảo việc giám sát về môi trường, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi và sơ chế nông sản; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường; lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát sinh chất thải khu vực đầu nguồn nước để theo dõi, giám sát; UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở phát sinh chất thải trên địa bàn. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

Theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường thì UBND cấp huyện sau khi xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường của cơ sở. Thực hiện tốt công tác này sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc hướng dẫn, đôn đốc cơ sở trong việc thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường mà cơ sở đã đưa ra trong kế hoạch bảo vệ môi trường đã được xác nhận; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế phát tán các loại chất thải chưa qua xử lý vào môi trường, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe, đời sống của người dân trên địa bàn.

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới