Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, người dân bản Lót, xã Hát Lót (Mai Sơn) đã lựa chọn mô hình nuôi dê nhốt chuồng, bước đầu đem lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống.
Anh Tòng Văn Văn cho đàn dê ăn.
Ông Tòng Văn Nhất, Trưởng bản Lót cho biết: Bản Lót có 36 hộ với 174 nhân khẩu đa số là người dân tộc Thái. 5 năm trở lại đây, nhiều hộ trong bản đã tập trung phát triển chăn nuôi, trong đó chăn nuôi dê nhốt chuồng đang đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Hiện nay, trên 20 hộ dân trong bản đang chăn nuôi đàn dê trên 500 con, hộ ít thì nuôi 4-5 con, các hộ còn lại có đàn dê lên tới 30- 40 con, đặc biệt có 2 hộ nuôi dê theo quy mô lớn, với số lượng 100 - 200 con. Giống dê được bà con lựa chọn phát triển chủ yếu là dê tai nhỏ, thích nghi với thời tiết địa phương, ít dịch bệnh, dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc. Từ nuôi dê, nhiều hộ đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.
Gia đình anh Tòng Văn Văn, một trong những hộ nuôi dê đầu tiên và lớn nhất bản Lót. Anh Văn vui vẻ nói: Năm 2015, tôi quyết định nuôi dê với 20 con. Nhận thấy thị trường có nhu cầu lớn, nuôi dê phát triển nhanh, ít bị bệnh, giá cả luôn ổn định tôi quyết định tìm hiểu thêm về cách chăm sóc, nuôi dê nhốt chuồng tại các khu vực phát triển chăn nuôi dê như huyện: Sông Mã, Bắc Yên, các tỉnh ngoài và đầu tư làm chuồng trại. Hiện tại, đàn dê của tôi có hơn 100 con. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật đàn dê phát triển khỏe mạnh và chất lượng thịt luôn được các thương lái đánh giá cao. Tính trung bình, trừ tổng chi phí đi thì mỗi năm gia đình tôi thu lãi gần 400 triệu đồng từ nuôi dê. Từ năm 2017 đến nay, năm nào gia đình tôi cũng được UBND tỉnh Sơn La tặng Bằng khen về thành tích “Hộ gia đình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của năm”.
Còn đối với gia đình anh Tòng Văn Phóng, từ chăn nuôi dê đã giúp gia đình anh thoát nghèo. Hiện, anh có gần 100 con dê. Gia đình anh Phóng mua dê đực từ 10-15kg tại các hộ chăn nuôi nhỏ trong vùng và các huyện lân cận. Khi bắt về, gia đình anh tiêm thuốc phòng bệnh, cách ly với đàn từ 10-15 ngày để đảm bảo phòng dịch, sau đó chăn thả và cho dê ăn thêm thức ăn tinh bột để dê mau lớn. Sau 3 đến 4 tháng dê tăng trọng lượng 30 - 35 kg thì xuất bán. Nhờ cách nuôi này, tổng thu nhập từ nuôi dê của gia đình đạt 200 - 300 triệu đồng/năm.
Qua tìm hiểu có thể thấy rằng, mô hình nuôi dê ở bản Lót mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân có điều kiện thoát nghèo. Ban đầu, cả bản chỉ có vài hộ chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, nhận thấy dê dễ chăm sóc, nguồn thức ăn có sẵn dồi dào và lại phù hợp với vùng đồi núi, vì vậy nhiều hộ đã đầu tư chăn nuôi dê. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn dê, các hộ chăn nuôi còn tận dụng các khoảng đất trống quanh nhà để trồng cỏ làm thức ăn cho dê; tiêm phòng cho đàn dê để tránh các dịch bệnh như lở mồm long móng, tiêu chảy, viêm phổi... hàng ngày đều quét dọn, rửa xịt, giữ vệ sinh chuồng để đàn dê phát triển khỏe mạnh.
Từ mô hình nuôi dê hiệu quả của bản Lót, đã nhân rộng ra xã Hát Lót. Xã đã ưu tiên các nguồn vốn vay ưu đãi cho phát triển mở rộng đàn dê, đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh việc hướng dẫn cách chăm sóc và phòng, chống dịch bệnh để đàn dê phát triển ổn định. Trong thời gian tới, xã Hát Lót tiếp tục nhân rộng mô hình hợp lý, có phương án quy hoạch vùng chăn nuôi hiệu quả, phát triển đàn bền vững, gắn xây dựng thương hiệu sản phẩm của địa phương, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!