Năm qua, nhiều cây cầu dân sinh trên địa bàn huyện Mai Sơn đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, tăng cường kết nối phục vụ phát triển KT-XH và đời sống nhân dân các bản vùng sâu, vùng xa của huyện.
Cầu dân sinh bản Nà Khoang, xã Chiềng Dong (Mai Sơn) phục vụ việc đi lại và vận tải nông sản cho người dân.
Công trình cầu Nà Khoang, xã Chiềng Dong có chiều dài hơn 43 m, rộng 5 m, tổng mức đầu tư 800 triệu đồng từ vốn Chương trình 135. Công trình được thi công đầu tháng 10/2020, đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp nhân dân đi lại thuận lợi, kết nối giao thương hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Tươi, Trưởng bản Nà Khoang, chia sẻ: Trước kia cầu Nà Khoang là cầu tre tạm nối với bản Pha Đin, vào mùa mưa việc đi lại rất khó khăn, nhất là các cháu học sinh. Từ khi được đầu tư xây cầu, hoạt động giao thương hàng hóa giữa 2 xã Chiềng Dong và Chiềng Kheo thuận lợi hơn hẳn, ô tô vào tận nương thu mua nông sản, bà con ai cũng phấn khởi.
Cũng là công trình cầu dân sinh hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2020, nhưng cầu bản Lọng Khoang, xã Hát Lót được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa do nhóm thiện nguyện Ấm áp vùng cao, nhóm thiện nguyện Nhịp cầu hạnh phúc và doanh nghiệp tư vấn thiết kế và tài trợ, với số tiền 526 triệu đồng.
Ông Tòng Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lót, cho biết: Ngay khi nhận được thông tin bản Lọng Khoang được tài trợ xây dựng cầu kiên cố, bản đã họp dân, vận động bà con đóng góp ngày công để cùng thực hiện công trình. Trước đây, việc thu hoạch nông sản của bà con vất vả lắm, nhất là vào mùa mưa, phải chở bằng xe máy từng bao qua cầu tạm, rất tốn công sức và thời gian. Từ khi xây dựng cầu cứng, việc đi lại thuận tiện, xe ô tô đến tận nương thu mua, tư thương không còn ép giá, bà con trong bản mừng lắm, nhất là những hộ trồng rau. Con em trong bản đi học cũng còn phải lo mưa lũ nữa.
Cầu dân sinh bản Lọng Khoang, xã Hát Lót (Mai Sơn) được đầu tư xây dựng từ vốn xã hội hóa.
Những công trình cầu dân sinh trên có quy mô và nguồn vốn không lớn, nhưng rất hiệu quả. Do đó, cùng với các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, huyện Mai Sơn đã tích cực vận động các doanh nghiệp hỗ trợ thực hiện, góp phần đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó phòng Trưởng Kinh tế - Hạ tầng huyện Mai Sơn, cho biết: Hằng năm, huyện đều thực hiện rà soát tổng thể nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cơ bản, trên cơ sở nhu cầu thực tế và căn cứ nguồn lực của địa phương, Phòng đã tham mưu cho huyện bổ sung kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cầu dân sinh và tranh thủ huy động các nguồn vốn xã hội hóa để thực hiện.
5 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng được 33 cầu dân sinh tại 15 xã, với tổng mức đầu tư gần 68 tỷ đồng; trong đó, có 2 cầu dân sinh được tài trợ từ nguồn vốn xã hội hóa, với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Các công trình sau khi hoàn thành được bàn giao lại cho địa phương quản lý, bà con đã thực hiện cắm biển cảnh báo tải trọng cho phép.
Cầu bản Mờn, xã Chiềng Lương (Mai Sơn) hoàn thành đưa vào sử dụng giúp nhân dân đi lại thuận lợi.
Với việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn xây dựng cầu dân sinh đã góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, gắn kết kinh tế giữa các vùng ở huyện Mai Sơn. Những công trình được đầu tư đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!