Với lợi thế đất đai màu mỡ, nguồn nước tưới ổn định, người dân lại thường xuyên được tuyên truyền, vận động, khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất rau theo hướng hàng hóa, tăng thêm thu nhập, xã Mường Bon trở thành một trong những địa phương có diện tích trồng rau màu lớn, quy mô, theo quy trình VietGAP của huyện Mai Sơn.
Người dân bản Lắm thu hoạch đậu cove.
Trước đây, người dân địa phương cũng đã trồng nhiều loại rau, củ, quả nhưng chủ yếu là tự phát, nhỏ lẻ, ít quan tâm đến nhu cầu thị trường, giá trị kinh tế các sản phẩm không cao. Bây giờ đã khác, tận dụng lợi thế diện tích đất đai tương đối màu mỡ, nhiều hồ chứa nước lớn, xã Mường Bon đã tổ chức quy hoạch diện tích đất sản xuất ở các bản vùng thấp như: Ỏ Tra, Lắm, Mé, Mai Tiên, Mai Quỳnh... Toàn xã hiện có khoảng 120 ha chuyên canh rau màu, năng suất đạt trên 6.000 tấn với đa dạng các loại rau có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng như: Hành lá, đậu cove, cà chua, cải các loại... Bên cạnh đó, xã chủ động phối hợp tư vấn, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất rau màu theo hướng hàng hóa; phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc rau màu, quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; thực hiện thâm canh tăng vụ, nâng cao sản lượng và giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích canh tác; cách sử dụng phân bón hữu cơ hoai mục, tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, phân chuồng ủ bón cho rau; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón cho bà con nông dân...
Mai Tiên là bản có diện tích rau màu lớn nhất xã, với hơn 35 ha, dọc hai bên tuyến đường nội bản đã được đổ bê-tông là những ruộng rau xanh mơn mởn, được trang bị hệ thống tưới nước tự động. Trong số này, gần 13 ha của HTX nông nghiệp Tiên Sơn được trồng các loại rau, củ, quả theo quy trình VietGAP. Ông Phạm Văn Đấu, thành viên HTX chia sẻ với chúng tôi: Trước đây, bà con ở đây thường trồng rau theo phương pháp truyền thống, chủ yếu bán cho tiểu thương, nên giá cả rất bấp bênh. Năm 2013, tôi tìm hiểu và học hỏi phương pháp sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng trên 7.000 m² đất của nhà. Trồng rau theo quy trình VietGAP đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đòi hỏi về kỹ thuật như: Giống, nguồn nước, sử dụng phân bón, quy trình chăm sóc... nhưng bù lại, đầu ra ổn định, được giá hơn nhiều. Chỉ chuyên canh các loại cải bắp, cải mèo, hành lá... hàng năm gia đình tôi thu về khoảng 400 triệu đồng.
Còn anh Lò Văn Quỳnh, ở bản Lắm, cho hay gia đình anh đã chuyển đổi 2.500 m² đất trồng lúa 2 vụ sang trồng các loại đậu cove, rau cải, rau muống... từ năm 2018. Vụ đông xuân năm nay, riêng đậu cove nhà anh đã thu hoạch gần 7 tấn quả, giá thị trường ở mức 9 nghìn đồng/kg, nên sau khi đã trừ hết chi phí, nhà anh vẫn lãi hơn 40 triệu đồng. Nếu so với trồng lúa thì trồng rau màu cho thu nhập cao hơn.
Để tạo thuận lợi cho việc mở rộng diện tích trồng các loại rau màu, ngoài sử dụng nguồn nước tự nhiên, hệ thống các kênh tưới tiêu cũng được xã Mường Bon quan tâm đầu tư cơ bản; toàn xã hiện có 23,5 km kênh mương, trong đó 19,4 km đã được kiên cố hoá, những đoạn kênh còn lại đang tiếp tục được đầu tư xây dựng. Nhờ có nguồn nước ổn định quanh năm tại các hồ chứa và hệ thống kênh thủy lợi, người dân trong xã có điều kiện ứng dụng kỹ thuật tưới phun tự động trên diện tích trồng rau màu, giúp cây trồng hấp thụ tốt nước dưới dạng giọt nhỏ từ vòi phun, đất luôn giữ được độ ẩm, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao, lại tiết kiệm được công sức và thời gian cho người nông dân. Hiện nay, trên 80% diện tích chuyên canh rau của xã đã được lắp đặt hế thống tưới phun tự động.
Nói về hướng phát triển chuyên canh sản xuất rau màu trên địa bàn, ông Đỗ Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã, trao đổi thêm: Chúng tôi nhận thấy, cả xã mới chỉ có 1 HTX nông nghiệp Tiên Sơn sản xuất rau theo quy trình VietGAP, chủ yếu cung cấp sản phẩm cho các siêu thị lớn ở Hà Nội là chưa ổn, chưa vững chắc. Để tạo đầu ra ổn định, sản phẩm rau củ quả có giá trị cao, cấp ủy, chính quyền xã xác định phải mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Có khó khăn cũng phải mở rộng và phát triển vùng sản xuất rau màu an toàn. Bây giờ phải tập trung tư vấn, vận động, hướng dẫn bà con gia nhập HTX, thành lập thêm các HTX chuyên canh; thay đổi thói quen canh tác, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, liên kết với các nhà hàng, doanh nghiệp, cửa hàng rau sạch, siêu thị lớn; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chuyển đổi phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; kiên quyết từ bỏ sản xuất theo lối nhỏ lẻ, sản xuất không gắn với nhu cầu thị trường...
Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhưng có thể thấy, việc mở rộng và phát triển sản xuất các loại rau màu theo hướng hàng hóa của xã Mường Bon đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thực sự cho từng hộ dân, nâng cao thu nhập cho bà con, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!