Những năm gần đây, cây na đã giúp nhiều hộ gia đình ở Mai Sơn xóa đói, giảm nghèo và vươn lên giàu có. Tuy nhiên, để sản phẩm đạt năng suất, chất lượng đòi hỏi người dân phải bỏ nhiều công chăm sóc, đặc biệt là kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, thụ phấn hoa.
Người dân tiểu khu 32, xã Cò Nòi (Mai Sơn) chăm sóc vườn na.
Chúng tôi tới tiểu khu I, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) từ sáng sớm, gặp bà Đào Thị Tân đang cắt tỉa và ghép những cành na dai trong vườn sang giống na Thái. Bà Tân bộc bạch: Mọi năm đến thời điểm này, cây na đã có hoa và đậu quả non rồi, nhưng năm nay mưa muộn nên đến bây giờ cây mới đâm lộc, vì vậy, tôi phải tranh thủ tỉa mầm giúp cây phân nhánh và ra quả đều. Để vườn na cho thu nhập cao phải mất nhiều công đầu tư chăm sóc, bây giờ người dân ở đây đã nắm chắc kỹ thuật tạo tán, phân cành, thụ phấn cho na ra quả rải vụ để tránh tư thương ép giá. Năm ngoái, gia đình tôi có 1,5 ha na dai, năng suất 15 tấn quả/ha, sản lượng 22,5 tấn, với giá bán bình quân tại vườn 30.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 600 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang ghép một số cây na dai sang giống na Thái cho năng suất, chất lượng cao hơn.
Chúng tôi tiếp tục tới tiểu khu 32, xã Cò Nòi, gặp ông Lưu Quý Chương cũng đang chăm sóc vườn na dai 1,2 ha đã trồng được 6 năm. Năm 2019, gia đình ông Chương thu 14,4 tấn quả, trừ chi phí thu về hơn 370 triệu đồng. Ông Chương chia sẻ: Năm nay, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, đối với quả na ở Mai Sơn thì ảnh hưởng sẽ không lớn lắm, bởi diện tích và sản lượng không nhiều. Hơn nữa, quả na được tiêu thụ chủ yếu trong tỉnh và một số tỉnh, thành phố lân cận, không phụ thuộc thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải áp dụng kỹ thuật sản xuất cho cây na ra quả rải vụ và chăm sóc theo quy trình VietGAP, để sản phẩm đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Theo kinh nghiệm của những người trồng na ở Mai Sơn, khi chăm sóc, chỉ để những cành đâm ngang và cắt bỏ những cành mọc thẳng để khống chế độ cao của cây. Sau khi thu hoạch, phải cắt ngọn để kích thích cành na nảy mầm mới. Thời gian từ lúc cây ra hoa đến cho thu hoạch chỉ trong vòng 3 tháng, vì vậy, các hộ trồng na ở Mai Sơn đã áp dụng biện pháp tỉa cành để cây nảy lộc và ra hoa rải vụ từ tháng 3 đến tháng 6; từ tháng 6 đến tháng 9, na sẽ cho thu hoạch quả (đối với giống na Thái có thể cho thu quả đến tận tháng 11). Để cây na cho thu quả rải vụ, người trồng na phải thường xuyên tỉa cành, thụ phấn cho hoa bằng cách chọn ngày nắng ráo, hái những hoa na ở gần ngọn, đầu các cành nhỏ (thường những hoa này không đậu quả) để lấy phấn. Thời gian hái hoa tốt nhất là từ 15 đến 16 giờ. Hái xong cho hoa vào túi giấy đậy kín, để qua đêm cho hoa nở và phấn chín hoàn toàn. Sáng hôm sau đổ hoa ra đĩa khô, sạch, bỏ hết cánh hoa, rũ cho hạt phấn rơi ra, thu gom cho vào lọ thủy tinh rồi đem đi thụ phấn cho hoa na, thời gian thụ phấn tốt nhất là từ 8-10 giờ sáng. Kinh nghiệm cho thấy, nên thụ phấn cho na 2 lần cách nhau 1 ngày và chọn hoa để thụ phấn sao cho số hoa cách đều trên cành thì tỷ lệ đậu quả mới cao, quả sẽ to và sẽ ít bị rụng. Trong thời gian thụ phấn, không nên phun thuốc trừ sâu và hạn chế tưới nước. Khi hoa đã đậu, quả bắt đầu lớn thì cần tăng cường bón phân, tưới nước, chăm sóc, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh đầy đủ, kịp thời, đúng liều lượng để quả na phát triển tốt, chất lượng cao.
Huyện Mai Sơn hiện có gần 140 ha na dai, tập trung ở thị trấn Hát Lót, xã Cò Nòi, Hát Lót... năng suất bình quân từ 12-15 tấn/ha, thu nhập bình quân từ 360-450 triệu đồng/ha. Đặc biệt, đối với các hộ trồng na Thái có thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha. Năm 2018, sau khi công bố nhãn hiệu chứng nhận “Na Mai Sơn”, huyện Mai Sơn đã tập trung rà soát, quy hoạch vùng trồng na. Đồng thời, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh xây dựng thương hiệu “Na Mai Sơn”; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ trồng na liên kết với các doanh nghiệp phát triển sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!