Màu xanh trên vùng đất khó

Với mong muốn mở hướng thoát nghèo cho người dân Phiêng Cằm, năm 2002, những cây chè giống gốc Bát Tiên, Kim Tuyên đã được Công ty dịch vụ phát triển chè Sơn La đưa lên trồng ở bản Noong Tàu Thái, Noong Tàu Mông, Huổi Nhả... 15 năm qua, cây chè có thời điểm tưởng chừng không trụ nổi... nhưng với nỗ lực của những con người một nắng, hai sương, đến nay cây chè đã bám rễ, phủ xanh vùng đất khô cằn, đem lại nguồn thu không nhỏ, góp phần thay đổi cuộc sống cho người dân nơi đây.

Bà con bản Noong Tàu Thái, xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) thu hái chè búp tươi.

Trăn trở cây chè vùng cao

Xã Phiêng Cằm (Mai Sơn) cách trung tâm huyện Mai Sơn 130 km, toàn xã có 27 bản, dân số 6.000 người, có 3 dân tộc chính Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Nằm ở độ cao 2.000 m so với mặt nước biển, khí hậu lạnh, cả xã có trên 2.600 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng cây công nghiệp chỉ có trên 120 ha với hai loại cây chính là cây cà phê và cây chè. Từ năm 2002, thực hiện chủ trương của tỉnh, Công ty dịch vụ phát triển chè Sơn La chính thức đưa cây chè lên trồng ở vùng đất Phiêng Cằm.

Với người dân xã Phiêng Cằm hình ảnh vị giám đốc Phùng Như Đoán đã trở nên quá thân quen. Thời gian gắn bó với Phiêng Cằm bằng số tuổi cây chè ở đây, vì thế đã cho ông vốn am hiểu về mảnh đất, con người nơi đây. Ông Đoán chia sẻ: Dân ở đây còn nghèo; làm ra hạt lúa, bắp ngô đã vất vả, khi bán cũng rẻ hơn nơi khác. Còn với cây chè không phải là cây làm giàu, nhưng là cây thoát nghèo. Riêng xã Phiêng Cằm đến giờ chưa có loại cây trồng nào thích nghi và cho nguồn thu nhập ổn định hơn cây chè.

Câu chuyện về cây chè cứ thế ùa về qua hồi tưởng của vị Giám đốc năm nay đã ngoài 60 tuổi: Tôi nhớ năm 2008, khi đó vườn chè được hơn 6 năm tuổi, 10 ha chè ở bản Noong Tàu Thái bị bệnh nấm, cây bị nặng chết khô. Chúng tôi cầu cứu nhiều nơi, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã về tìm cách trị bệnh, hướng dẫn đốn, tỉa, tiêu hủy để ngăn chặn và hạn chế lây lan, nhưng vẫn không hết được bệnh. Nhìn vườn chè cứ chết dần, tiếc công sức bỏ ra, tôi lấy mẫu đem về Viện Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) để nghiên cứu. Viện Bảo vệ thực vật chuẩn đoán cây chè bị bệnh cao cành chè do nấm Septobasidium theae Boed et Stain gây ra. Đây là một trong những loại bệnh rất khó phòng trừ nên Viện đề xuất phải tiến hành đào tận gốc, đốt tiêu hủy những cây chè và diện tích chè đã bị nhiễm bệnh để tránh lây nhiễm cho những vườn chè khỏe. Biện pháp này coi như mất trắng. Đi khắp nơi, nhưng không tìm ra phương pháp hữu hiệu nào để cứu chữa cây chè. Thay vì phá bỏ, đơn vị dùng phương pháp đốn tỉa để khôi phục. Kinh nghiệm này được rút ra từ đốn cây cà phê bị sương muối để áp dụng với cây chè bị bệnh. Bàn bạc và thống nhất huy động toàn thể cơ quan lên Phiêng Cằm để cứu chè. Mất 1 tháng, cả Công ty đã cưa đốn toàn bộ 10 ha chè, thu gom, di chuyển cây chè bị nhiễm bệnh đem đốt tiêu hủy. Với phương pháp này, sau đó gốc chè bắt đầu đâm những chồi lộc, vườn chè đã hồi sinh, sau 2 năm đã cho thu hoạch lứa chè đầu tiên. Nhưng sau đó, do thiếu người chăm sóc, giá cả bấp bênh, cùng thời điểm tỉnh cho chủ trương giải thể Công ty chè, cà phê nên vùng chè lại gặp nhiều khó khăn không phát triển được, Công ty đã khó khăn lại chồng chất khó khăn.

 

Xanh lại cây chè trên vùng đất khó

Tin tưởng về triển vọng của cây chè trên vùng cao Phiêng Cằm và quyết tâm của cán bộ, nhân viên, ngày 12/7/2016, Công ty cổ phần Chè Sơn La được thành lập. Như để khẳng định cho một định hướng chiến lược phát triển của vùng chè Phiêng Cằm, với hướng phát triển lâu dài, Công ty đã đầu tư 5 tỷ đồng đề mua vườn chè, đầu tư phân bón, làm nhà xưởng. Điều mừng nhất của Công ty là việc trồng chè ở đây dù trải qua bao khó khăn nhưng bà con vẫn đặt niềm tin ở đội ngũ cán bộ tận tụy và vẫn tin chè là cây trồng có lợi thế. Chất đất, độ cao, khí hậu đã tạo cho chất lượng chè ở đây có hương vị thơm ngon được so sánh như cây chè Tà Xùa (Bắc Yên). Và niềm tin ấy đã giúp cho Công ty vượt qua tất cả, cây chè không những hồi sinh mà phát triển tốt, năng suất dần được cải thiện.

Bà Hà Thị Yên, bản Noong Tàu Thái, cho biết: Nhà tôi có gần 1 ha đất cho Công ty thuê trồng chè, cộng với mức thu nhập trung bình mỗi ngày từ 150.000 đồng tiền hái búp chè đã giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống không phải lo cái ăn, cái mặc. So với trồng ngô, lúa cây chè thu nhập cao hơn gấp 2 đến 3 lần. Như gia đình tôi vụ ngô năm nay trồng 1 ha, thu được 5 tấn ngô hạt, bán với giá 30.000 đồng/kg, cho thu nhập 15 triệu đồng, trừ chi phí tiền giống, phân bón, thu nhập cả năm trời chỉ được hơn 10 triệu đồng. Còn chị Hà Thị Ngương, cùng bản cho hay: Nếu Công ty mở rộng diện tích trồng chè, vụ tới gia đình tôi sẽ đăng ký trồng gần 1 ha trên đất trồng lúa vì năng suất lúa quá thấp, chỉ được 8 tạ thóc.

Tính đến thời điểm này, ở Phiêng Cằm chưa có loại cây nào mang lại hiệu quả kinh tế hơn cây chè. Hiện, 1 ha đất trồng chè ở Phiêng Cằm năng suất trung bình 8 tấn chè búp tươi/ha, cho thu nhập từ 50 triệu đồng/ha/năm. Sản lượng ngày càng tăng, Công ty đã đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến có công suất 5 tấn chè búp tươi/ngày, đảm bảo chế biến tại chỗ và giải quyết việc làm thường xuyên cho 40 lao động địa phương và 10 công nhân với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, chè Phiêng Cằm được đóng gói thành phẩm có 4 loại, gồm: Chè Phiêng Cằm túi thiếc 0,1 lạng; chè Phiêng Cằm hút chân không 0,5 lạng, 0,2 lạng; Chè Phiêng Cằm túi bóng trắng 0,5 lạng. Các sản phẩm hiện không chỉ cung cấp cho các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh Nam Định, Nghệ An và Hà Nội. Ngoài đem lại giá trị về kinh tế, việc xây dựng một vùng chè tập trung gắn với nhà máy chế biến đã tạo cho bộ mặt xã vùng cao Phiêng Cằm có những bước đổi thay nhanh chóng và một lần nữa cây chè đã đem lại niềm tin cho người trồng chè, đem lại cuộc sống ấm no hơn.

Xây dựng thương hiệu chè Phiêng Cằm

Cho biết về định hướng phát triển của Công ty cổ phần chè Sơn La, ông Phùng Như Đoán, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty thông tin: Công ty đang xây dựng kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, dự kiến đến năm 2025, phát triển lên 80 ha chè, tập trung chủ yếu ở 3 bản, trong đó: Noong Tầu Thái 40 ha, Huổi Nhả 20 ha và Noong Tầu Mông 20 ha, nâng tổng diện tích chè trồng ở xã Phiêng Cằm lên 100 ha; năng suất bình quân đạt 12 tấn chè búp/ha/năm; sản lượng đạt 1.200 tấn chè búp tươi, giá trị đạt 10 tỷ đồng/năm; sản lượng chè thành phẩm đạt 250 tấn chè khô; giải quyết việc làm cho 200 lao động nông nghiệp và 20 lao động công nghiệp. Cùng với đó, đầu tư nhà máy chế biến chè chất lượng cao đạt công suất 250 tấn chè thành phẩm/năm. Để làm được điều đó, theo dự toán, doanh nghiệp cần được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi khoảng 8 tỷ đồng, rất mong nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng vùng chè chất lượng cao, góp phần xóa đói nghèo cho người dân vùng cao Phiêng Cằm.

Nhận định về cây chè, ông Sùng A Châu, Chủ tịch UBND xã Phiêng Cằm, cho biết: Hiện nay, tuyến đường từ trung tâm xã Nà Ớt vào Phiêng Cằm dài 30 km đang được thi công rải nhựa, khoảng một năm sẽ hoàn thành, tạo thuận lợi cho thông thương, thúc đẩy sản xuất ngành nông nghiệp của xã nói chung và cây chè nói riêng phát triển. Về hiệu quả kinh tế, cây chè đã góp phần tạo việc làm cho nhiều hộ dân ở địa phương với nguồn thu ổn định. Huyện và xã xác định cần duy trì và thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhận xét về chất lượng chè Phiêng Cằm, ông Nguyễn Thế Cường, Chi cục Trưởng chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh, thông tin: Chè Phiêng cằm đã được kiểm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Công ty thực hiện đăng ký dán nhãn, mác truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm để đủ điều kiện tham gia chuỗi nông sản an toàn.

Với lợi thế về đất đai, khí hậu phù hợp với phát triển vùng chè, chè Phiêng Cằm hứa hẹn mang đến sự đổi thay nhanh chóng trên mảnh đất vùng cao này.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

    Phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm

    An ninh trật tự -
    Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm ngay từ cơ sở, Công an xã Chiềng Chăn, huyện Mai Sơn, tăng cường tuyên truyền pháp luật, phối hợp tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ cao về tội phạm, củng cố các nhóm liên gia tự quản, tổ an ninh trật tự tại các bản.
  • 'Vân Hồ xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp

    Vân Hồ xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp

    Khoa Giáo -
    Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, các trường học trên địa bàn huyện Vân Hồ đã tích cực thực hiện phong trào xây dựng “Trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn - thân thiện”, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
  • 'Huổi Một nỗ lực vươn lên

    Huổi Một nỗ lực vươn lên

    Xã hội -
    Xã Huổi Một là một trong những xã khó khăn huyện Sông Mã. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, vươn lên thoát nghèo.
  • 'Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

    Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

    Du lịch -
    Mộc Châu là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, khai thác lợi thế đó, huyện Mộc Châu quan tâm, khuyến khích phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch trải nghiệm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
  • 'Có Nàng chung sức xây dựng nông thôn mới

    Có Nàng chung sức xây dựng nông thôn mới

    Nông thôn mới -
    Về bản Có Nàng, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, những ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay nơi đây. Những con đường bê tông mới, những ngôi nhà kiên cố, khang trang ngày một nhiều hơn, dịch vụ, hàng hóa đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đặc biệt, tuyến đường vào bản được chiếu sáng bởi hai hàng bóng điện năng lượng mặt trời, như tiếp thêm động lực cho bản vùng cao ngày một phát triển.
  • 'Thực hiện quy định về sử dụng lao động trẻ em

    Thực hiện quy định về sử dụng lao động trẻ em

    Xã hội -
    Quan tâm xây dựng môi trường an toàn và lành mạnh, tạo điều kiện cho trẻ được học tập, vui chơi, giải trí, huyện Yên Châu chú trọng công tác bảo vệ, ngăn chặn tình trạng trẻ em tham gia lao động trái quy định pháp luật, đảm bảo các em được phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.
  • 'Nậm Lầu triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

    Nậm Lầu triển khai tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

    Xã hội -
    Theo giới thiệu của ông Đỗ Quốc Hưng, Trưởng Chi nhánh Quỹ bảo vệ phát triển rừng Thuận Châu - Quỳnh Nhai, chúng tôi về xã Nậm Lầu, là xã có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và cũng là một trong những xã có diện tích rừng lớn của huyện Thuận Châu. Những năm qua, chủ trương, chính sách về bảo vệ, phát triển rừng được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả. Trong đó, tập trung bảo vệ rừng đặc dụng, phòng hộ, phát triển rừng sản xuất, phủ xanh đất trống, đồi trọc, tạo điều kiện cho nhân dân có thêm sinh kế, thu nhập từ nghề rừng.
  • 'Hiệu quả chương trình giảm nghèo ở Tà Xùa

    Hiệu quả chương trình giảm nghèo ở Tà Xùa

    Xã hội -
    Cuối tháng 11, chúng tôi có dịp trở lại xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Nằm ở độ cao trên 1.600 m so với mực nước biển, nên mùa đông nơi đây lạnh cắt da, cắt thịt. Xã có 4 bản, 574 hộ, trên 3.500 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã đã triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.