Sau hơn 5 năm triển khai Ðề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của huyện Mai Sơn có bước phát triển đột phá, diện mạo nông thôn từng bước đổi mới, đời sống nông dân được nâng cao.
Xây dựng thương hiệu
Hơn 5 năm qua, huyện Mai Sơn đã tập trung chuyển đổi diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp sang các loại cây có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Đến nay, toàn huyện có trên 10.560 ha cây ăn quả, tăng trên 8.000 ha so với năm 2015; sản lượng quả ước đạt trên 55.000 tấn; trong đó, có trên 1.200 ha được cấp mã số vùng trồng, gần 500 ha được cấp chứng nhận VietGAP; nhiều loại nông sản có thương hiệu, đảm bảo chất lượng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thị trường, phục vụ chế biến và xuất khẩu, nhiều diện tích cho thu hoạch trên 300 triệu đồng/ha/năm.
Ca sản xuất tại Công ty cổ phần Cà phê Phúc Sinh Sơn La.
Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Mai Sơn đã khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi phương thức sản xuất kinh tế hộ sang liên kết, hợp tác, đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp, HTX để thúc đẩy phát triển nông nghiệp địa phương theo hướng bền vững. 5 năm qua, huyện đã tập trung tuyên truyền và lồng ghép các nguồn vốn với trên 8,6 tỷ đồng hỗ trợ thành lập mới 15 HTX; triển khai hiệu quả các chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn, đã giải ngân cho các HTX vay gần 6 tỷ đồng; xây dựng 3 vườn ươm cây ăn quả; tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ bao bì, tem, nhãn truy xuất nguồn gốc; vận động các HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX dâu tây Xuân Quế (xã Cò Nòi), thông tin: HTX có 12 thành viên, đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt và nhà lưới rộng 4.000 m²; lựa chọn giống dâu tây phù hợp, được thị trường ưa chuộng để nhân giống. Tháng 12/2020, HTX đã liên kết với 4 HTX trên địa bàn tỉnh thành lập liên hiệp HTX dâu tây Sơn La tìm kiếm cơ hội hợp tác, ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm cho các siêu thị tại Hà Nội và một số tỉnh, thành. Hiện, HTX có 10 ha dâu tây; trong đó, có 5 ha sản xuất theo quy trình VietGAP và 5 ha sản xuất theo hướng hữu cơ, bình quân mỗi ha dâu tây trừ hết chi phí, lãi 600-800 triệu đồng.
Chế biến nông sản, tăng giá trị sản xuất
Theo ông Vũ Tiến Đĩnh, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, việc đẩy mạnh cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và phát triển thị trường là mấu chốt của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất. Huyện Mai Sơn đã triển khai thực hiện tốt các chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng theo quy hoạch; tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, HTX để nắm bắt tình hình và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các nhà máy chế biến trong việc giao chỉ tiêu sản xuất, đảm bảo vùng nguyên liệu.
Đến nay, trên địa bàn huyện có 8 cơ sở chế biến nông sản cà phê, mía, sắn, hoa quả quy mô công nghiệp và hàng trăm cơ sở chế biến nhỏ lẻ đang hoạt động, mỗi năm thu mua khoảng 700.000 tấn nông sản các loại cho nông dân.
Vườn dâu tây của HTX dâu tây Xuân Quế mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn La, cho biết: Niên vụ 2020-2021, Công ty ký kết mở rộng hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho trên 10.000 hộ dân với hơn 9.000 ha mía. Thông qua việc liên kết sẽ bảo đảm được nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến của nhà máy, nông dân cũng yên tâm khi có thị trường tiêu thụ ổn định. Chúng tôi mong muốn, huyện Mai Sơn tiếp tục tuyên truyền người trồng mía thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng doanh nghiệp xây dựng chuỗi liên kết phát triển bền vững.
Phát triển nông nghiệp bền vững
Huyện Mai Sơn đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với phát triển du lịch đến năm 2025, theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện. Đẩy mạnh thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ cao giúp tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Tiếp tục chuyển đổi diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, phấn đấu đến năm 2025, huyện có trên 11.500 ha cây ăn quả các loại; trong đó, có 5.400 ha áp dụng công nghệ cao, 2.700 ha được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ.
Với mục tiêu tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu, huyện Mai Sơn đang tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, HTX đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; từng bước xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu theo hướng sản xuất quy mô lớn, phục vụ công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại, bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!