Những năm qua, huyện Mai Sơn đã tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Nông dân xã Chiềng Mung (Mai Sơn) chăm sóc dưa chuột.
Để giúp người dân có kỹ thuật sản xuất, từ năm 2019 đến nay, huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức trên 360 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hơn 13.640 lượt người; gần 620 cuộc tư vấn, hướng dẫn nông dân sản xuất theo mùa vụ cho gần 23.600 lượt người... Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức, dự án: Chương trình khí sinh học “Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp LCASP” tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi xây dựng, lắp đặt 7 công trình bể Composite. Riêng Dự án ICRAF: “Mô hình nông lâm kết hợp” hướng dẫn các hộ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và tưới ẩm cho cây ăn quả, quản lý thực bì theo quy trình canh tác, thực hành kỹ thuật ghép cây tại vườn ươm...
Ngoài thâm canh 22.145 ha cây lương thực có hạt, với sản lượng ước đạt trên 99.400 tấn/năm, nhân dân trong huyện còn tích cực đầu tư trồng cây ăn quả; thực hiện cải tạo vườn tạp với các loại cây có giá trị kinh tế. Toàn huyện hiện có 8.622 ha cây ăn quả, gồm: na, nhãn, xoài, cam, bưởi, thanh long... sản lượng ước đạt 28.900 tấn quả tươi/năm; 4.650 ha cây cà phê (3.560 ha đã cho thu hoạch, còn lại là diện tích đang chăm sóc và trồng mới), sản lượng ước đạt 7.880 tấn quả tươi... Ngành chăn nuôi từng bước phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, với gần 40 nghìn con trâu, bò; 115.000 con lợn trên 2 tháng tuổi và 1.250 nghìn con gia cầm các loại.
Ông Cầm Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn cho biết: Các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường tư vấn, hướng dẫn người dân đăng ký thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, như: Na (Cò Nòi); cam, bưởi (Hát Lót); thanh long (Nà Bó); chanh leo (Phiêng Pằn); long nhãn (Chiềng Mung); cà phê (Chiềng Ban)... Đặc biệt, hướng dẫn HTX Ngọc Lan hoàn thiện hồ sơ, đề xuất tỉnh thẩm định hỗ trợ dây chuyền sơ chế đóng gói sản phẩm quả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, lập dự trù kinh phí đề xuất tỉnh hỗ trợ mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ...
Xã Chiềng Mung là một trong những địa phương tích cực áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện, xã có 681 ha cây cà phê, sản lượng đạt gần 11.580 tấn quả cà phê tươi/năm; 465 ha cây ăn quả, chủ yếu là: Xoài Đài Loan, nhãn, bưởi, cam... sản lượng trên 10.230 tấn/năm... Ngoài ra, còn đầu tư chăn nuôi hơn 1.170 con trâu, bò; trên 1.500 con dê; hơn 6.200 con lợn trên 2 tháng tuổi; 95.300 con gia cầm các loại và 1.700 đàn ong...
Thời gian qua, HTX Thiên Tân, bản Noong Xôm, xã Hát Lót (Mai Sơn) đã ứng dụng công nghệ cao vào trồng và chăm sóc 15 ha xoài. Anh Nguyễn Bá Tuân, Giám đốc HTX Thiên Tân, chia sẻ: Được tham gia các lớp tập huấn, các thành viên HTX đã thực hiện mô hình trồng xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; bọc quả bằng túi giấy từ khi quả nhỏ. HTX còn thực hiện giãn vụ, đó là khi xoài ra hoa, bẻ bỏ hoa, thời gian sau xoài sẽ ra hoa lại, làm như vậy không bị trùng vụ với các gia đình khác, tiêu thụ sản phẩm dễ hơn. Vụ năm 2019, HTX thu hoạch trên 250 tấn xoài Đài Loan (thực hiện thử nghiệm giãn vụ 2 ha, sản lượng 20 tấn) gần 3 vạn quả bưởi, lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện Mai Sơn tiếp tục chỉ đạo quy hoạch, phân vùng sản xuất; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm nông sản; huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, xây dựng các cơ sở chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân trong huyện.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!