Cây cà phê chè (cà phê Arabica) được du nhập vào trồng ở Mai Sơn từ năm 1945, đến năm 1994, tỉnh Sơn La chính thức đưa cây cà phê vào trồng tại xã Chiềng Ban với gần 100 ha.
TRẦN ĐẮC THẮNG
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn
Đồng chí Hoàng Văn Chất, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh,
huyện Mai Sơn kiểm tra mô hình tưới nhỏ giọt cho cây cà phê theo công nghệ Israel tại xã Chiềng Ban.
Vượt qua những khó khăn về phương thức canh tác sản xuất cũ và đặc thù thời tiết mùa đông hay có sương muối, rét đậm kéo dài, kinh nghiệm đúc rút của cấp ủy, chính quyền, nhà khoa học và người nông dân qua mỗi mùa sản xuất, đến nay diện tích cây cà phê toàn huyện có 4.200 ha, chiếm 33,9% diện tích cây cà phê toàn tỉnh; năng suất quả cà phê tươi ước đạt 120 - 150 tạ/ha; tổng sản lượng cà phê quả tươi mỗi năm ước đạt trên 52.000 nghìn tấn, doanh thu ước đạt trên 368 tỷ đồng. Cây cà phê được trồng tập trung tại 09 xã: Chiềng Mung, Chiềng Ban, Chiềng Mai, Chiềng Chung, Mường Chanh, Chiềng Dong, Chiềng Kheo, Chiềng Ve, Nà Ớt.
Cà phê được trồng tập trung tại các xã vùng quốc lộ 4G.
Trong những năm qua, trên cơ sở điều kiện thực tế về tài nguyên đất đai, địa hình, khí hậu, huyện Mai Sơn đã tập trung quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng, tăng cường chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, liên kết trong sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm. Cùng với vùng cây nguyên liệu chủ lực mía, sắn phục vụ cho nhà máy chế biến, cây cà phê luôn là một trong những cây trồng được cấp ủy, chính quyền huyện ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp, là cây “mũi nhọn” góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Bám sát định hướng quy hoạch chung của tỉnh, huyện Mai Sơn đã có quy hoạch chi tiết phát triển cây cà phê đến năm 2020, những vùng trồng cà phê có điều kiện đất đỏ Feralit, không ngập úng, nơi ít bị sương muối. Việc phát triển được trồng liền vùng, liền khoảnh, giao thông thuận tiện cho việc thu mua, chế biến cà phê và tránh chồng lấn với cây trồng khác như mía, sắn. Vùng trồng cà phê được chú trọng từ xây dựng hệ thống sản xuất, cung ứng giống tại chỗ, khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển cà phê. Tổ chức bồi dưỡng về kiến thức, kỹ thuật canh tác cà phê cho nông dân, đặc biệt là triển khai mô hình áp dụng tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân hòa tan theo công nghệ Israel cho cây cà phê đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tỷ lệ đậu quả cao, quả to và đều, cây sinh trưởng phát triển tốt, không có sâu bệnh, thu nhập bình quân đạt 130 triệu đồng/1ha/năm (tăng 30 triệu đồng so với diện tích không sử dụng hệ thống tưới ẩm)... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những tác động của sự biến đổi thời tiết ngày càng phức tạp, rét đậm, rét hại, sương muối và giá cà phê biến động thất thường, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê còn hạn chế, sản phẩm cà phê chủ yếu là sơ chế thô nên giá trị sản phẩm thấp, chưa thực sự nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.
Người dân thu hoạch cà phê ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.
Để phát triển cây cà phê thực sự bền vững, trở thành cây trồng chủ lực, gắn với vấn đề giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao, huyện Mai Sơn tiếp tục thực hiện tốt quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng vùng cà phê nguyên liệu chuyên canh (đến năm 2020 toàn huyện có 5.000 ha), ổn định nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa trên thị trường; nâng cao thu nhập cho nông hộ đến năm 2020 đạt bình quân từ 26-30 triệu đồng/người/năm. Rà soát, triển khai diện tích trồng mới (thay thế diện tích cũ kém hiệu quả) theo quy hoạch, tăng cường công tác dồn điền đổi thửa tạo quy mô tập trung theo mô hình nông thôn mới. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê cho nhân dân, tiếp tục phối hợp với các tổ chức khoa học khảo nghiệm đưa giống mới có năng suất và sản lượng cao vào sản xuất thay thế dần những giống cho năng suất và sản lượng thấp, phấn đấu đưa năng suất từ 15 đến 20 tấn quả tươi/ha. Đồng thời, lựa chọn cây che bóng chắn gió phù hợp trông xen cây cà phê để phát triển cà phê bền vững như: Cây bơ và các cây có múi (cam, bưởi). Tiếp tục mở rộng mô hình áp dụng khoa học kỹ thuật tưới nhỏ giọt bằng công nghệ của Israel vào quy trình trồng, chăm sóc cây cà phê. Tăng cường công tác thu hút đầu tư, huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng trồng cà phê gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng, mở rộng liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê với những đơn vị, doanh nghiệp thu mua, chế biến cà phê, như: Doanh nghiệp tư nhân Minh Tiến thu mua, chế biến 10.000-15.000 tấn quả cà phê/năm; Doanh nghiệp tư nhân Thu Thủy thu mua, chế biến khoảng 2.000 tấn cà phê nhân; tạo điều kiện thuận lợi để Công ty cổ phần cà phê Phúc Sinh triển khai xây dựng nhà máy chế biến tinh sâu cà phê trên địa bàn có quy mô lớn, thân thiện với môi trường, phát huy hiệu quả trong sản xuất kinh doanh mặt hàng cà phê.
Nhân dân xã Chiềng Ban thu hái cà phê.
Hướng đến lợi ích lâu dài của người nông dân trồng cà phê, nhằm giới thiệu quảng bá các sản phẩm Cà phê Mai Sơn và các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, huyện Mai Sơn tổ chức Ngày hội Cà phê Mai Sơn năm 2017 gắn với Công bố chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La tại xã Chiềng Ban với mong muốn thu hút đầu tư, tạo cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân, thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân làm cà phê nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, từng bước đưa cà phê Mai Sơn nói riêng và cà phê Sơn La nâng cao vị thế trên bản đồ cà phê Việt Nam.
Chế biến các sản phẩm cà phê Minh Châu tại Công ty cà phê Sơn La (Mai Sơn).
Mô hình tưới nhỏ giọt cho cà phê tại xã Chiềng Ban.
Nông dân xã Chiềng Mung sơ chế cà phê.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!