Khởi nghiệp từ đam mê trang phục truyền thống

Chị Hà Thị Chấn, tiểu khu 4, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) khởi nghiệp thành công từ cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông, có thu nhập ổn định và góp phần phát huy bản sắc, giữ gìn nét đẹp trang phục truyền thống dân tộc Mông.

Cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông Hà Chấn, tiểu khu 4, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn).

Là người dân tộc Mông sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, ngay từ nhỏ chị Chấn đã yêu thích trang phục dân tộc độc đáo của đồng bào mình, học mẹ tự tay dệt vải, thêu thùa, may váy, áo. Chị Chấn chia sẻ: Người dân tộc chúng tôi quan niệm con gái phải biết may vá, thêu thùa thì mới lấy được chồng, nên từ khi 9-10 tuổi, tôi đã tập thêu tay và may váy. Trước đây, không có phấn, để có những họa tiết trên váy, áo, đai lưng thì dùng một thanh thép nhỏ có đầu nhọn, nhúng vào bát đựng nến đã tan chảy rồi vẽ lên vải lanh nhuộm chàm. Vẽ các hoa văn này đòi hỏi phải thẳng hàng, họa tiết đều nhau. Để vẽ được các họa tiết đẹp, thời gian rảnh trong ngày, tôi lấy que tập vẽ trên nền đất, lâu dần thành kỹ năng nên vẽ đẹp hơn.

Năm 18 tuổi, chị Chấn theo các tiểu thương mang các sản phẩm truyền thống của dân tộc đến một số địa phương giới thiệu, đồng thời, tìm hiểu thêm những sản phẩm truyền thống đặc trưng nét văn hóa tương đồng của đồng bào dân tộc Mông rồi tự sáng tạo, may các mẫu váy, áo để mặc. Sau những chuyến đi đó, chị đã chọn Sơn La để lập nghiệp. Năm 2014, chị Chấn mở cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông tại tiểu khu 4, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn). Ban đầu, gia đình chị chỉ bán các mặt hàng may sẵn, sau đó nhận thấy nhu cầu thị trường lớn, chị chọn mua những mẫu vải tốt để may những bộ trang phục dân tộc đẹp, phù hợp với thẩm mỹ và giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.

Cơ sở của chị Chấn sản xuất đa dạng các loại trang phục dân tộc, từ trang phục hằng ngày đến trang phục váy, áo lễ hội truyền thống cho mọi lứa tuổi, kèm theo những phụ kiện của trang phục người Mông như đai lưng, mũ, bó chân... Chị Chấn là người trực tiếp thiết kế mẫu vải thổ cẩm, rồi gửi mẫu đến các cơ sở thêu máy, in ấn, sau đó đem về gia công. Chia sẻ với chúng tôi về việc sáng tạo những bộ trang phục truyền thống, chị Chấn nói: Ở Sơn La, đặc điểm về nét văn hóa trang phục của 4 ngành Mông Trắng, Mông Đen, Mông Xanh và Mông Hoa có sự khác biệt, tôi đã tìm hiểu đặc trưng trang phục của từng ngành và phối hợp lại, tạo ra sản phẩm mới. Ví dụ, người Mông Hoa thường mặc váy xòe rộng, nhiều nếp gấp, giập ly tạo độ xòe, che khuyết điểm của vòng 3 rất tốt, nên tôi chọn kết hợp với những chiếc áo thổ cẩm cách điệu cổ cao 3 phân, có màu sắc tươi sáng như đỏ, xanh, vàng của đồng bào dân tộc Mông Đỏ, thiết kế vừa người, trang trí thêm các chuỗi hạt cườm nhiều màu hoặc những bông hoa làm điểm nhấn. Những mẫu váy này rất được các bạn trẻ yêu thích.

Cũng theo chị Chấn, để tạo ra các sản phẩm may mặc hàng thổ cẩm dân tộc Mông, không còn khó khăn và tốn nhiều thời gian như trước đây, nhưng để làm ra nhiều sản phẩm cùng lúc với giá thành rẻ và ổn định thì phải có sự hỗ trợ của máy móc. Chính vì thế, ngay từ ngày đầu khởi nghiệp, chị Chấn đã đầu tư 250 triệu đồng mua máy dập ly, máy khâu chuyên dụng. Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở của chị sản xuất và bán ra thị trường từ 150 - 200 chiếc váy, áo, với giá bán từ 40-50 nghìn đồng/chiếc. Còn với các bộ trang phục truyền thống, cầu kỳ hơn thì trung bình 1 ngày sản xuất từ 5-7 bộ, giá bán từ 400-600 nghìn đồng/bộ. Các sản phẩm tiêu thụ tại các địa phương trong tỉnh và các tỉnh: Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu. Lợi nhuận trung bình khoảng 400 triệu đồng/năm; tạo việc làm thường xuyên cho 4-5 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Niềm đam mê sáng tạo cùng sự cần cù, chịu khó đã giúp chị Hà Thị Chấn khởi nghiệp thành công với cơ sở sản xuất trang phục thổ cẩm dân tộc Mông, đồng thời khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn trong phát triển kinh tế để có cuộc sống tốt hơn.

Thu Hằng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Chủ động phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

    Alo 114 -
    Mộc Châu là huyện trọng điểm về phát triển du lịch, công tác bảo đảm phòng chống cháy nổ trên địa bàn luôn được Công an huyện quan tâm, triển khai nhiều biện pháp, gắn với tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
  • 'Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ

    Khoa Giáo -
    Với phương châm “Lấy trẻ làm trung tâm” giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, thẩm mỹ, Trường Mầm non Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ.
  • 'Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Hiệu quả các hoạt động cứu trợ nhân đạo

    Xã hội -
    Bằng nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, các cấp hội chữ thập đỏ trên địa bàn huyện Thuận Châu đã phát huy vai trò nòng cốt, là “cầu nối” trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo, khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội tại địa phương.
  • 'Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Ghi ở Trạm Y tế xã Yên Sơn

    Sức khỏe -
    Đến với Trạm Y tế xã Yên Sơn, huyện Yên Châu, chúng tôi ấn tượng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang sạch đẹp, khuôn viên rộng rãi; phòng khám, điều trị được bố trí thuận tiện, có biển chỉ dẫn rõ ràng; y, bác sĩ tận tình thăm khám cho nhân dân.
  • 'Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Tăng “chỉ số minh bạch” của nền hành chính nhà nước

    Cải cách hành chính -
    Thực hiện phương châm tăng cường công khai giải quyết thủ tục hành chính trên cả 3 phương diện: Thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết, phí và lệ phí, tỉnh Sơn La đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
  • 'Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Phù Yên mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

    Huyện Phù Yên có dân số trên 121 nghìn người, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Việc thu hút, mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện được Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp với các cơ quan, tổ chức đoàn thể tuyên truyền để người dân hiểu rõ mục đích, quyền lợi và lựa chọn mức đóng phù hợp với điều kiện kinh tế của bản thân, gia đình.