Sau 8 năm hoạt động, trang trại của HTX Thương mại Hợp Lực, xã Hát Lót (Mai Sơn) là một trong những trang trại điển hình của huyện Mai Sơn về áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín, đem lại hiệu quả kinh tế, hạn chế tác động xấu đến môi trường.
Công nhân HTX Thương mại Hợp Lực chăm sóc đàn bò.
Thành lập năm 2013, HTX Thương mại Hợp Lực có 9 thành viên, vốn điều lệ gần 1,8 tỷ đồng. Nằm ven quốc lộ 6 tại tiểu khu Nà Sản, khu trang trại chăn nuôi trâu, bò của HTX rộng hơn 1.800 m², với 3 khu chuồng chính, mỗi khu chuồng chia thành 5 ô được thiết kế theo hướng áp dụng công nghệ chăn nuôi mới, hiện đại, khép kín, có máng ăn tự động, quạt sưởi ấm, hệ thống camera giám sát; được trang bị hệ thống nước tự động, chất thải xử lý qua hệ thống bể thải sinh học diện tích 300m² theo quy chuẩn, giải quyết vấn đề môi trường trong chăn nuôi.
Quá trình nuôi tuân thủ quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, chỉ có 2 công nhân thực hiện nhiệm vụ chăm sóc đàn vật nuôi. Nguồn thức ăn chủ yếu là loại cỏ túi, cỏ mía, cây chuối được ủ chua, lên men ngay tại trang trại, do các kỹ thuật viên của HTX đảm nhiệm; nguồn thức ăn từ cỏ cũng do các hộ sản xuất nông nghiệp tại xã cung cấp. Nhờ vậy, HTX đã tiêu thụ khối lượng lớn phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương và tạo được việc làm ổn định cho 10 lao động trong xã, với mức thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng và 8 lao động thời vụ, với mức tiền công 200 nghìn đồng/người/ngày.
Để tạo thương hiệu bò đảm bảo chất lượng và đầu ra ổn định, các hộ gia đình thành viên là đơn vị hạch toán và tự chịu trách nhiệm về kết quả sản xuất. Sản phẩm chính của HTX là giống bò thịt, bò 3B, bò lai sin chuyên cung cấp cho các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh và trâu để xuất khẩu sang Trung Quốc. HTX hiện thường xuyên duy trì 100 con bê và trên 100 con trâu, bò thương phẩm, nên tháng nào cũng có trâu, bò thương phẩm xuất bán. Năm 2020, HTX cung cấp cho người dân vùng dự án các huyện Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên và Quỳnh Nhai trên 300 con trâu, bò. Đặc biệt, thời gian dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương vất vả đối phó với dịch bệnh nên ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh, nhưng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi nên đàn trâu, bò của HTX phát triển tốt, mang lại doanh thu từ 300 đến 500 triệu đồng/năm.
Ông Lê Đăng Đương, Giám đốc HTX Thương mại Hợp Lực chia sẻ: Trong quá trình chăn nuôi, chúng tôi đã đi học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình chăn nuôi trâu, bò hiệu quả. Đồng thời, chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, như tiêm vắc xin phòng bệnh; rắc vôi bột 1 lần/tháng khu vực chuồng; thường xuyên vệ sinh chuồng trại... Tuy nhiên, quy mô sản xuất còn khá nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương, cũng như nguồn quỹ đất của khu trang trại, đầu ra cho sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh.
Trong thời gian tới, HTX đang tiếp tục đầu tư nghiên cứu các phương pháp chăn nuôi đại gia súc hiệu quả tại các địa phương khác để áp dụng vào thực tế sản xuất; mở rộng thị trường tiêu thụ trâu, bò thương phẩm, cung cấp con giống cho các thành viên và người dân trên địa bàn tỉnh; tạo sự liên kết các hộ dân chăn nuôi và xây dựng sản phẩm có thương hiệu, nâng cao thu nhập cho các thành viên HTX.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!