Là một trong những đơn vị đầu tiên tham gia thí điểm mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ của huyện Mai Sơn, sau hơn 1 năm triển khai, nhiều thành viên của HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót đã nắm chắc quy trình chăm sóc vườn cây ăn quả bằng phân hữu cơ, cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, góp phần cải thiện môi trường sinh thái.
Vườn bưởi da xanh chăm sóc theo phương pháp hữu cơ
của gia đình ông Đào Xuân Yết, HTX Ngọc Lan, xã Hát Lót (Mai Sơn).
HTX Ngọc Lan hiện có 20 thành viên, với quy mô trên 100 ha cây ăn quả các loại được trồng theo quy trình VietGAP phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2019, tổng doanh thu của các hộ thành viên và các dịch vụ đạt trên 12 tỷ đồng; sản xuất và tiêu thụ 200.000 cây giống. Hiện nay, HTX đã liên kết với 10 HTX và 3 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp để hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng bưởi da xanh sử dụng phân hữu cơ của các thành viên HTX, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX chia sẻ: Mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ bước đầu có 12 thành viên tham gia với quy mô 5 ha xoài LG4 và 5 ha bưởi da xanh ở bản Noong Xôm và Nà Cang. Tham gia mô hình, các thành viên được hỗ trợ 8 tấn phân hữu cơ/ha và được tập huấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng dẫn cách ủ phân chuồng từ men vi sinh và sử dụng phế phẩm nông nghiệp để chăm sóc cây ăn quả, sau hơn 1 năm triển khai, cây trồng phát triển tốt, năng suất, chất lượng sản phẩm cao hơn so với sử dụng phân vô cơ, bảo đảm môi trường sinh thái.
Đến thăm gia đình ông Đào Xuân Yết, bản Nà Cang, thành viên HTX Ngọc Lan, thời điểm này, gia đình ông đang chăm sóc vườn bưởi da xanh đã trồng được 7 năm. Ông Yết chia sẻ: Gia đình tôi có 3 ha xoài và 1 ha bưởi da xanh. Qua tuyên truyền, vận động của HTX, gia đình tôi đăng ký tham gia thí điểm 1 ha bưởi da xanh chuyển từ bón phân vô cơ sang hữu cơ. Chúng tôi được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, gia đình tôi sử dụng kết hợp giữa bón phân hữu cơ chế biến công nghiệp và phân hữu cơ ủ từ phân chuồng; tận dụng lõi ngô rải xung quang gốc cây để giữ ẩm, gốc bưởi được quét vôi để chống sâu bệnh. Ưu điểm của việc trồng cây ăn quả sử dụng phân hữu cơ là cho trái cây chất lượng hơn, không có tồn dư phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, phân hữu cơ phân giải tạo ra chất mùn làm đất tơi xốp, thông thoáng, tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật có ích phát triển, hạn chế các vi sinh vật gây hại cây trồng. Tuy nhiên, do trước đây chủ yếu dùng phân bón vô cơ, đất bị thoái hóa, một số loại sâu bệnh kháng thuốc, nên khi bắt đầu chuyển sang dùng phân hữu cơ, chi phí cao gấp đôi so với phân bón vô cơ, hơn nữa để phát huy tác dụng của phân bón thì cần phải có 1 hệ thống tưới ẩm tốt và phải từ năm thứ 3 trở đi, các loại vi sinh vật có ích mới phát triển mạnh, khi đó sản phẩm mới thực sự có chất lượng và mẫu mã đẹp.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX, hiện nay, nhiều thành viên đang tiếp tục đăng ký chuyển đổi từ sử dụng phân vô cơ sang phân bón hữu cơ cho diện tích cây ăn quả còn lại. Đây là tín hiệu mừng, cho thấy người dân đã bắt đầu thay đổi tư duy canh tác, hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của chính người trồng và người tiêu dùng. Trước mắt, những khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm đang được các ngành chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ, tháo gỡ thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tuyên truyền người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Việc thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp mà các thành viên HTX Ngọc Lan đang thực hiện là giải pháp tối ưu nhất, đáp ứng nhu cầu khi người tiêu dùng đang hướng tới các sản phẩm sạch, chất lượng cao, thân thiện với môi trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!