Diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang... Đó là những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Chương trình 135, giai đoạn 2016-2020 ở huyện Mai Sơn.
Đường nội bản Kết Hay, xã Phiêng Pằn được bê tông hóa.
Huyện Mai Sơn có 19 xã, 144 bản đặc biệt khó khăn được thụ hưởng đầu tư từ Chương trình 135. Năm 2016, khi triển khai chương trình, toàn huyện có 9.223 hộ nghèo (chiếm 25,5% tổng số hộ); trong đó, có 8.937 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm 96,9% tổng số hộ nghèo trong huyện. Để chương trình phát huy hiệu quả, Phòng Dân tộc đã tham mưu cho UBND huyện đầu tư xây dựng những công trình thiết thực phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Thành lập Ban Chỉ đạo các xã và Ban Giám sát các bản. Đồng thời, hướng dẫn, lồng ghép các nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới, vốn dự án giảm nghèo, vốn địa phương và nhân dân đóng góp để xây dựng kết cấu hạ tầng; ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các xã, bản đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2016-2020, từ nguồn vốn gần 73 tỷ đồng của Chương trình 135, huyện Mai Sơn đã đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng 119 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nhà văn hóa; hỗ trợ gần 700 con giống gia súc, 334 kg hạt giống, trên 166.000 cây ăn quả giống và hỗ trợ 102 mô hình phát triển sản xuất cho hơn 3.650 hộ dân, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Với sự hỗ trợ từ chương trình, diện mạo vùng nông thôn của huyện ngày một khởi sắc. Đến nay, 100% số bản có đường ô tô; 21/22 xã có đường nhựa đến trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; 92,5% dân số được sử dụng điện lưới quốc gia; 95,5% số xã, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 20%; có 66% gia đình, 36% bản, tiểu khu đạt tiêu chuẩn văn hoá; 100% số xã có nhà văn hóa, trong đó có 4 xã có thư viện. Bên cạnh đó, các mô hình được hỗ trợ sản xuất đã phát huy hiệu quả, ngoài việc được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón... người dân ở các xã còn thành lập các nhóm cùng sở thích, gồm: chăn nuôi bò, dê, lợn; trồng cây ăn quả, trồng rừng... để cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất; qua đó đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, nâng cao hiệu quả giá trị kinh tế, đẩy mạnh đầu tư theo hướng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại; ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2019 đạt 3.123 tỷ đồng, bằng 1,4 lần so với năm 2016; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 25,5% xuống còn 15,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm, tăng 14,4 triệu đồng so với năm 2015.
Bà Lò Thị Phiên, Chủ tịch UBND xã Phiêng Pằn, cho biết: Là xã đặc biệt khó khăn của huyện với địa bàn rộng và có đường biên giới giáp với nước CHDCND Lào, giao thông đi lại khó khăn, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của xã vừa thiếu, vừa kém chất lượng, nhất là hạ tầng giao thông. Triển khai Chương trình 135, xã đã đề xuất danh mục công trình ưu tiên là đường giao thông, cầu dân sinh để đi lại thuận lợi và thúc đẩy sản xuất, kinh tế phát triển. Với nguồn vốn gần 8 tỷ đồng của Chương trình 135 đầu tư từ năm 2016 đến nay, xã đã làm được gần 4 km đường giao thông, 3 cầu tràn qua suối tại bản Nà Pồng, Ta Vắt, Nà Nhụng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2021-2025, huyện Mai Sơn tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo, phát triển nhanh kinh tế - xã hội các xã, bản đặc biệt khó khăn. Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, hoàn thiện hệ thống đường giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu hoạt động văn hóa trên địa bàn, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2%/năm trở lên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!