Để tìm hiểu kỹ hơn về chủ nhân của chiếc máy tách vỏ cà phê “Made in Việt Nam” 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm của anh đang được hàng trăm hộ dân trong và ngoài địa phương đặt mua, sử dụng..., chúng tôi về HTX Hoàng Văn Thụ 3, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn.
Anh Phạm Văn Kiên bên chiếc máy tách vỏ cà phê.
Bây giờ hỏi đường đến xưởng cơ khí Kiên Thùy rất dễ, bởi khá nhiều người dân xã Chiềng Ban đang sử dụng sản phẩm của anh. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp anh Phạm Văn Kiên, đó là một thanh niên dáng người cao, nước da cháy nắng và rất hoạt bát. Đang cùng 2 người thợ hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của chiếc máy tách vỏ cà phê để giao cho khách, anh vẫn dành thời gian cho chúng tôi. Sinh năm 1977, tại xã Chiềng Pằn (Yên Châu), học hết lớp 9, anh đăng ký đi học lớp sửa chữa ô-tô. Năm 1991, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên dù đang học dở dang, Kiên đành chuyển sang buôn ngô, cà phê phụ giúp gia đình. Năm 1996, một mình lên đất Chiềng Ban để tìm kế mưu sinh. Đi nhiều, anh được chứng kiến bà con nông dân quá vất vả trong quá trình bóc tách cà phê theo lối thủ công, tốn rất nhiều công sức và nước sạch; máy móc nông nghiệp thường bị tư thương lợi dụng bán với giá cao... Vì vậy, anh quyết chí tìm cách chế tạo máy bóc tách vỏ cà phê, những mong hỗ trợ, giúp đỡ bà con. Đam mê sáng tạo, năm 2009, Kiên khăn gói vào miền Nam để tìm hiểu sâu về loại máy tách vỏ cà phê được nhập từ nước ngoài về. Từng nhiều năm gắn bó với cây cà phê nên anh nắm khá chắc ưu điểm, nhược điểm của loại máy này đối với quả cà phê đất Sơn La. Theo anh, cà phê của các tỉnh Tây Bắc là cà phê chè, quả nhỏ, không đều, khi sử dụng các máy tách vỏ vẫn sót quả, sạn, lá... Thêm 4 năm mày mò, năm 2014, sản phẩm máy tách vỏ cà phê của anh mới hoàn thiện. Tốn kém rất nhiều, nhưng thấy bà con sử dụng hiệu quả, năng suất, anh rất hài lòng. Hiện giờ, xưởng của anh đang sản xuất 2 máy; loại nhỏ công suất 1,7 tấn quả/giờ, giá bán 7,5 triệu đồng/chiếc; loại lớn công suất 4 tấn/giờ, giá bán 25 triệu đồng/chiếc. Máy của anh có ưu điểm cùng một lúc giúp người nông dân vừa bóc tách vỏ cà phê tươi, vừa sàng lọc, phân loại chất lượng cà phê, không chỉ giúp giảm chi phí nhân công, mà còn hạn chế lượng nước thải ra môi trường. Tất cả bà con sử dụng máy đều được anh bảo dưỡng, sửa chữa miễn phí.
Sau gần 6 năm đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường, cơ sở của anh đã xuất bán hàng nghìn sản phẩm các loại. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm đã vươn ra thị trường các tỉnh có trồng cà phê, như: Điện Biên, Quảng Trị, Đắc Lắc và một số tỉnh Nam Lào. Thời gian cao điểm, xưởng tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động với mức tiền công từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Kiên cũng chia sẻ thêm với chúng tôi là đang nghiên cứu hệ thống xử lý nước thải cho các hộ chế biến cà phê với hy vọng giúp người dân trồng và chế biến cà phê cải thiện được môi trường sống. Anh rất mong muốn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện từ các ban, ngành chức năng, chuyên môn để nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật, tạo ra nhiều sản phẩm nông cụ giúp ích cho bà con nông dân, góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở địa phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!