Chúng tôi về Chiềng Sung (Mai Sơn) những ngày giáp Tết nguyên đán, cảm nhận rõ những đổi thay trên vùng đất này. Những ngôi nhà xây cao tầng khang trang nằm dọc theo các tuyến đường nội xã được đổ bê tông rộng rãi, phong quang; trên tuyến đường chính của xã những chiếc xe tải đang bốc xếp chanh leo đi xuất bán; trên nương đồi, dưới phiêng bãi, nhân dân đang khẩn trương chuẩn bị vụ sản xuất mới... Cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đang hăng hái thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Nhân dân xã Chiềng Sung chuyển đổi diện tích trồng cây lương thực năng suất thấp sang trồng cây chanh leo đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tiếp chúng tôi tại trụ sở làm việc, đồng chí Tòng Thị Bình, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung, phấn khởi: Năm 2020, tại Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ xã đã được Ban Thường vụ tỉnh ủy tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020; cũng là năm thứ 4 được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh. Tổ chức Đảng vững mạnh đã lãnh đạo nhân dân trong xã vững bước phát triển, với những con số ấn tượng: Thu nhập bình quân đạt 38,2 triệu đồng/người/năm; 97,56% số hộ có mức sống từ trung bình trở lên, trong đó 60% hộ có mức sống khá, giàu; không còn nhà ở tạm; duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao...
Trong câu chuyện, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, những kết quả đạt được trên có sự góp sức không nhỏ của các đồng chí đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong gương mẫu thông qua việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, với những việc làm theo mang tính đột phá, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong quần chúng nhân dân và tạo thành phong trào thi đua sôi nổi trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội.
Năm 2019, Đảng ủy xã đã chọn 2 nội dung đột phá, trong đó: Hoàn thành 19/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nội dung này đã được triển khai đến gần 300 đảng viên sinh hoạt tại 16 chi bộ trực thuộc. Theo đó, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các tổ chức đoàn thể đã đảm nhận các công trình, phần việc phù hợp. Hội Phụ nữ xã gắn thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Đoàn Thanh niên xã với chương trình “Thắp sáng bản làng”, bảo đảm 100% các tuyến đường đã đổ bê tông đều có điện thắp sáng; Hội CCB xã với phong trào xóa nhà tạm... Đảng ủy xã còn chỉ đạo tập trung nguồn lực giúp 6 bản khó khăn trong xã; trong đó, huy động cán bộ công chức thực hiện “Ngày thứ 7 tình nguyện về cơ sở”, giúp các bản vệ sinh khu dân cư; khơi thông cống rãnh trục đường nội bản; hướng dẫn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đạt năng suất cao; hỗ trợ sửa chữa nhà ở; làm đường giao thông nội bản... Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong xã, Chiềng Sung được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Và đến hết năm 2020, xã đã đạt 10/17 tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Tiếp đó, năm 2020, Đảng ủy xã Chiềng Sung đã lựa chọn 3 nội dung làm theo mang tính đột phá, đó là: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vận động nhân dân trả lại đất rừng; cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước, sử dụng đất đai, sử dụng thời gian.
Chia sẻ với chúng tôi về: “Vận động nhân dân trả lại đất rừng”, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Khi làm nương, người dân đã lấn chiếm đất rừng với diện tích nhỏ, vì vậy khó phát hiện và khó xử lý. Để giải quyết thực trạng này, Đảng ủy đã bàn bạc và thống nhất lựa chọn nội dung làm theo “Vận động nhân dân trả lại đất rừng”, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề nổi cộm này. Trong quá trình thực hiện, đảng viên ở chi bộ các bản có hiện tượng lấn chiếm đất rừng đã đến từng gia đình tuyên truyền, vận động người dân trả lại diện tích đất đã lấn chiếm; phân tích, giải thích cho bà con hiểu việc làm sai trái và tác hại của việc lấn chiếm đất rừng. Kiên trì thuyết phục, đến hết năm 2020, nhân dân ở các bản đã trả lại 11,5 ha rừng bị lấn chiếm, trong đó 7,7 ha đã triển khai trồng cây lâm nghiệp.
Mặc dù khá bận rộn, nhưng đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sung vẫn dành thời gian dẫn chúng tôi đi thăm một số mô hình kinh tế hiệu quả của đảng viên, đó là những mô hình thực hiện nội dung làm theo mang tính đột phá của năm 2020: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Trên đường đi, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã đã kể nhiều về việc các đảng viên thực hiện nội dung làm theo mang tính đột phá này, với việc “đi trước làm trước”, đưa các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu...
Nhờ vậy, trong năm 2020, toàn xã đã trồng mới 110 ha cây chanh leo; 34 ha thanh long ruột đỏ, bơ, xoài và một số loại cây trồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nâng tổng diện tích cây ăn quả của toàn xã lên 885 ha (trên 254 ha đã cho thu hoạch)... Quan sát, chúng tôi nhận thấy, trên nương đồi, các loại cây ăn quả đang xanh tốt; trong các vườn trồng cây chanh leo, tiếng nói, tiếng cười rôm rả của người dân đang thu hái quả để xuất bán cho thương lái; dưới các phiêng bãi, đất đã được cày ải chuẩn bị cho vụ trồng ngô giống sắp tới...
Chúng tôi dừng chân tại gia đình chị Đặng Thị Hằng, Bí thư Chi bộ bản Cang. Xởi lởi kể về việc trồng thí điểm 5.000 m² cây chanh leo, chị Hằng nói: Tôi là một trong những người đầu tiên trong xã trồng cây chanh leo. Cũng diện tích đất này, trước đây trồng ngô chỉ thu được 20 triệu đồng, chuyển sang trồng cây chanh leo thu 150 triệu đồng/ha. Gia đình tôi còn thu mua, sơ chế sản phẩm quả chanh leo cho bà con và xuất bán cho Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. Thấy trồng chanh leo đạt hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân trong bản đã đến học hỏi kinh nghiệm để trồng thay thế diện tích trồng cây lương thực ngắn ngày năng suất thấp. Hiện cả bản đã có 20 ha cây chanh leo. Chúng tôi đã liên kết thành lập Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa, chuyên trồng các loại cây ăn quả, nhằm hỗ trợ nhau phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy, hiện nay bản chỉ còn 3/139 hộ nghèo (do bị khuyết tật).
Thăm trang trại rộng 2 ha trồng cây thanh long ruột đỏ của gia đình Bí thư Chi bộ bản Cao Sơn Nguyễn Văn Loan. Nhìn chủ vườn bố trí hợp lý cây trồng, hệ thống tưới nước cho cây... khoa học và chuyên nghiệp. Anh Loan chia sẻ: Là đảng viên tôi luôn nghĩ, học và làm theo Bác phải bằng những việc thiết thực, hiệu quả và tạo được sự lan tỏa trong nhân dân. Vì vậy, thực hiện nội dung mang tính đột phá: “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, tôi đã đi học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trồng cây thanh long theo hướng sản xuất sản phẩm an toàn để xuất khẩu và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình. Đồng thời, tham gia là thành viên HTX Ngọc Hoàng (xã Nà Bó) để hỗ trợ nhau sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Vụ năm 2020, vườn cây của gia đình đã được thu hoạch quả bói, với sản lượng 12 tấn quả và được HTX Ngọc Hoàng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ hiệu quả đạt được, tôi đã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn 4 hộ dân trong bản trồng 3 ha cây thanh long theo hướng xuất khẩu, hiện các vườn cây đang phát triển tốt.
Nhân dân xã Chiềng Sung (Mai Sơn) tham gia đổ bê tông đường giao thông nông thôn.
Ảnh: PV
Tạm biệt Chiềng Sung, chúng tôi tin, với sự lan tỏa của những việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, sẽ góp phần làm cho vùng đất này ngày càng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Và những kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội là những đóa hoa tươi thắm để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Chiềng Sung dâng Đảng, dâng Bác kính yêu.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!