Đã một thời gian dài, người dân xóm 2, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn) phải sống trong ô nhiễm, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ suối Nậm Pàn. Theo phản ánh của người dân, tình trạng này thường xuyên diễn ra, bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kéo dài đến gần giữa năm sau. Bà con đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị với các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh, cũng đã có nhiều đoàn xuống địa bàn kiểm tra... nhưng tình trạng trên vẫn chưa được khắc phục.
Nước từ mó nước cây sung, xóm 2, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót màu đen xỉn, bốc mùi hôi thối.
Để “mắt thấy, tai nghe”, chúng tôi cùng cán bộ Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Mai Sơn xuống kiểm tra thực địa (tại mó nước cây sung, thuộc xóm 2, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót), tận mắt thấy dòng nước đen kịt, hôi thối nồng nặc bốc lên từ dòng suối Nậm Pàn. Ông Lưu Văn Nhị, cán bộ hưu trí ở xóm 2, bức xúc: Những ngày mưa to nước còn ít mùi, chứ những ngày không mưa thì nước đen đặc, bốc mùi hôi thối suốt ngày đêm, các hộ dân xung quanh khu vực này hết sức khổ sở khi phải chịu đựng. Rất mong các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm để người dân chúng tôi ổn định cuộc sống.
Nước từ mó nước cây sung, xóm 2, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót màu đen xỉn, bốc mùi hôi thối.
Theo thông tin từ Phòng TN&MT huyện Mai Sơn, phía đầu nguồn dòng suối Nậm Pàn, khu vực mó nước cây sung có 2 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô 1.000 con trở lên và 3 cơ sở chế biến nông sản là Nhà máy mía đường Sơn La cùng 2 cơ sở chế biến tinh bột sắn, miến dong của xã Cò Nòi. Hiện, một cơ sở chăn nuôi lợn đang hoạt động đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải đạt yêu cầu (có chứng nhận của các cơ quan chức năng); một cơ sở chăn nuôi lợn và 2 cơ sở chế biến sắn và miến dong thì đã ngừng sản xuất từ mấy tháng nay; còn Nhà máy mía đường Sơn La đang trong vụ sản xuất.
Hồ xử lý nước thải tuần hoàn có lót lớp cao su chống thấm của Nhà máy mía đường Sơn La.
Tới Nhà máy mía đường của Công ty CP Mía đường Sơn La, chúng tôi được ông Đoàn Ngọc Qua, cán bộ phụ trách môi trường của Công ty dẫn đi ra khu xử lý nước thải. Nói về vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở suối Nậm Pàn, ông Qua khẳng định: Nhà máy không xả thải ra môi trường. Hiện nay Nhà máy thu mua và chế biến 4.200 tấn mía/ngày, tương đương 1.600-2.000 m3 nước cần được xử lý. Công ty đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng lắp đặt hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn, công suất 2.900 m3 nước/ngày đêm và 3 hồ chứa nước thải có lót lớp cao su chống thấm, tổng khối lượng hơn 300.000 m3 nước. Ông Qua nói thêm: Ô nhiễm ở suối Nậm Pàn xảy ra đã nhiều năm và người dân luôn cho rằng do Nhà máy mía đường xả thải. Đã có nhiều đoàn công tác của tỉnh và huyện đến kiểm tra quy trình xử lý nước thải của chúng tôi. Ban lãnh đạo Công ty CP Mía đường cũng đã cử cán bộ điều tra nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước và phát hiện một số giếng khoan cách Nhà máy mía đường Sơn La khoảng 600m về phía trên đầu nguồn dòng suối Nậm Pàn cũng có mùi hôi thối như ở mó nước cây sung.
Nước giếng khoan sâu 70m dưới lòng đất tại tiểu khu 32, xã Cò Nòi cũng vẫn có mùi hôi thối.
Nói rồi ông Qua dẫn chúng tôi tới vườn cây ăn quả rộng hơn 2 ha trồng nhãn, xoài, bưởi, cam của gia đình anh Chu Mạnh Tuấn (tiểu khu 32, xã Cò Nòi). Vườn cây của anh Tuấn nằm ở đầu nguồn nước, phía trên Nhà máy mía đường. Khi anh Tuấn cho chạy máy bơm nước từ giếng khoan ở khu vườn cũng xuất hiện mùi hôi thối tuôn theo dòng nước. Theo anh Tuấn, năm 2016, gia đình anh đầu tư 200 triệu đồng khoan giếng sâu tới 70m, nhưng nguồn nước của giếng cũng có mùi hôi thối (trong thời điểm từ tháng 11 năm trước đến tháng 5 năm sau), nghĩa là tương ứng với vụ sản xuất đường, tinh bột sắn hoặc miến dong. Anh Tuấn phán đoán, có thể ở dưới lòng đất có hang cát-tơ rộng, rất có thể có cơ sở nào đó đã lợi dụng địa hình khoan giếng và bơm nước thải trực tiếp xuống lòng đất?
Sau khi cùng chúng tôi đi thực tế địa bàn, ông Lò Văn Biên, Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn, khẳng định: Mó nước cây sung có mùi hôi thối là đúng như phản ánh của người dân. Dù vậy, qua nhiều lần kiểm tra thực tế, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây ô nhiễm mó nước cây sung. Phòng TN&MT huyện sẽ tham mưu cho UBND huyện phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là Tổng cục Môi trường tiến hành kiểm tra, xem xét tất cả các nội dung liên quan đến môi trường, sớm tìm ra nguyên nhân ô nhiễm ở mó nước cây sung để xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm.
Ô nhiễm nguồn nước suối Nậm Pàn (khu vực xóm 2, tiểu khu 5, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn) đã lặp đi lặp lại nhiều năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống sinh hoạt, sản xuất nhiều hộ dân. Rất mong các cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc điều tra rõ nguyên nhân và có các giải pháp xử lý dứt điểm sự việc này.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!