Đến “tư dinh” của ông Lò Thanh Hoàn, nguyên cán bộ Hội Liên hiệp VHNT tỉnh tại bản Nà Ban, xã Hát Lót (Mai Sơn), chúng tôi hết sức ấn tượng trước đầy ắp những đầu sách được xếp ngay ngắn trên giá, phần lớn những đầu sách dày cộp này là những tư liệu quý về văn học dân gian các dân tộc Tây Bắc.
Ông Lò Thanh Hoàn biên tập lại những tài liệu về giá trị văn hóa dân gian sưu tầm được.
Trò chuyện với ông được biết, trước đây ông nguyên là giáo viên môn Văn học, từng đi dạy học ở nhiều vùng dân tộc khác nhau trong tỉnh, nên có dịp tiếp cận, sưu tầm, lưu giữ, quảng bá, rồi niềm đam mê văn nghệ dân gian “ngấm” lúc nào không biết. Ông bảo, ngoài tiếng Thái, tiếng phổ thông, ông còn thông thạo tiếng nói, văn hóa, phong tục tập quán các dân tộc Mường, Khơ Mú, Xinh Mun...
Tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1982 với đề tài luận văn chuyên ngành văn nghệ dân gian loại giỏi, trở về Sơn La, ông bắt tay nghiên cứu, sưu tầm và khảo tả sinh hoạt văn hóa dân gian các dân tộc Thái, Khơ Mú, Xinh Mun; tục làm Tết lúa mới của người Thái ở Hát Lót, Cò Nòi (Mai Sơn); tục làm nương (Poọc hrệ), làm mẹ lúa (Mạ ngọ), làm Tết lúa mới (Teng grợ) của tộc người Khơ Mú; nét sinh hoạt văn hóa độc đáo riêng có của người Xinh Mun qua các lễ hội dân gian: Tết mùa măng (Mạ kmạ), lên nhà mới (Khưn giêng maư). Đặc biệt, ông hoàn thành khảo tả, phục dựng truyền thuyết về dòng họ, dân tộc và nghi thức độc đáo đám cưới người Khơ Mú ở Sơn La, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam nghiệm thu, ấn hành. Không chỉ vậy, ông còn phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam khảo tả, ghi hình lễ cúng gọi hồn của người Thái ở Sơn La; cùng Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức lễ Xên cung (Cúng bản) của người Khơ Mú tại bản Co Chai, xã Hát Lót (Mai Sơn); tham gia Dự án đọc và dịch chữ Thái cổ tại Bảo tàng tỉnh Sơn La và Thư viện tỉnh Sơn La. Ông cũng là người trực tiếp truyền dạy chữ Thái cho hơn 200 người là những người yêu thích tiếng nói, chữ viết, truyện thơ, dân ca, dân vũ Thái; trao đổi sáng tác thơ Thái (khắp) tại các trại sáng tác; biên tập và sáng tác thơ đăng trên Tạp chí Suối Reo.
Đến nay, ông đã xuất bản hai tập sách dày 900 trang Truyện thơ phỏng tác dân gian Thái vùng Tây Bắc Việt Nam, do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam xuất bản; sưu tầm tư liệu văn hóa dân gian của hai tộc người Thái (chủ yếu là Thái đen) và Khơ Mú trên các lĩnh vực: Tri thức dân gian, lịch sử - xã hội, ngôn ngữ... Đối với văn hóa dân gian tộc Khơ Mú, sưu tầm, khai thác, lý giải vì sao dòng họ người Khơ Mú hầu hết đều lấy theo tên các động vật, chim muông, chồn sóc, cây rừng và các vật dụng sinh hoạt; rồi các nghi thức tang lễ, cưới xin của các dòng tộc người Khơ Mú...
Đối với văn xuôi và truyện ký văn học, ông cũng tích cực tham gia các cuộc vận động viết và gặt hái không ít giải thưởng cấp tỉnh, gồm: Giải A văn xuôi về cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật và báo chí về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với tác phẩm: “Đêm trắng của In”; Giải B tác phẩm: “Cảm nhận Mai Quỳnh”; Giải C thơ song ngữ với tác phẩm: “Điển hung chaư cốn” (Ánh điện lòng người)... Ghi nhận những đóng góp cho kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc, ông được kết nạp làm hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, hội viên Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp VHNT Sơn La, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam”; Hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam tặng Bằng khen và nhiều danh hiệu khác; được tỉnh đề nghị Bộ VH-TT& DL phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!