Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát, đánh dấu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đây là kết quả của 56 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo của quân và dân ta.
Từ ngoài, muốn đi vào Sở chỉ huy chỉ có một con đường duy nhất rộng gần 1m, ngoằn nghoèo qua các bãi mìn, hệ thống hỏa lực bố trí ở các boong ke lúc nào cùng sẵn sàng nhả đạn vào con đường này. Bốn hướng là 4 chiếc xe tăng thường xuyên túc trực như 4 lô cốt di động, bảo vệ một cách tối đa cho Sở chỉ huy, đặc biệt phía Tây Nam là trận địa pháo dàn hàng ngang. Ngoài ra, bao bọc xung quanh Sở chỉ huy là 4 cụm cứ điểm được bố trí phòng vệ hết sức nghiêm ngặt, là những “lớp áo giáp”, “cánh cửa thép” mà quân đội Pháp đề cao trong ngôn từ thực dân để bảo vệ Sở chỉ huy của mình.
Căn hầm có hai cửa, một cửa quay hướng Đông, một cửa quay hướng Nam với chiều dài 20m, chiều rộng 8m, cao hơn 2m được chia thành 4 gian. Khi Đờ Cát và Bộ tham mưu của Pháp còn ở đây, tường hầm có áp thêm các tấm ván gỗ căng vải dù để chống ẩm, có hệ thống thoát nước ra sông Nậm Rốm. Gian nào cũng có giường, bộ bàn ghế gấp và có những trang thiết bị tiện nghi, hiện đại.
Trong căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp nhiều quan chức cấp cao của các nước. Cũng tại nơi đây, Bộ chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngày, đêm, bàn mưu tính kế hòng tiêu diệt quân chủ lực của ta.
Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, việc đánh chiếm và bắt sống Bộ chỉ huy đối phương là mục tiêu quan trọng, quyết định đi đến thắng lợi của chiến dịch. Đến 15 giờ ngày 7/5/1954, sau khi nhận lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ, các đại đoàn chủ lực của ta tiến thẳng vào phân khu trung tâm, bao vây và tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm, bắt sống tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ tham mưu của thực dân Pháp.
Năm 1962, Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia; năm 2009, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Di tích hầm Đờ Cát đã được trùng tu, tôn tạo, xây dựng công trình mái che hiện vật ngoài trời, góp phần bảo vệ di tích một cách tối ưu nhất, thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về cuộc chiến lịch sử.
Cựu chiến binh Nguyễn Trường Vinh đến từ tỉnh Thái Nguyên, xúc động nói: Trải qua thời gian dài, nhưng cấu trúc và cách bố trí của đường hầm Đờ Cát vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Di tích là chứng nhân cho sự sụp đổ của thực dân Pháp, địa chỉ đỏ giáo dục các thế hệ lòng yêu nước, tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước.
Còn anh Phan Văn Tuấn, thành phố Thanh Hóa, chia sẻ: Hầm Đờ Cát nói riêng và tổng thể khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ nói chung, mang những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc trên chặng đường chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do. Đặc biệt, bức phù điêu hình ảnh tướng Đờ Cát cùng tùy tùng cúi đầu lầm lũi đầu hàng quân ta, là hình ảnh thực tế nhất, minh chứng rõ rệt nhất về ý chí, quyết tâm, tinh thần cách mạng kiên cường của quân và dân ta.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự kiện ngày 7/5/1954, khi lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng của quân đội ta tung bay trên nóc hầm Đờ Cát, là thời khắc lịch sử không thể quên trong mỗi người dân Việt Nam, là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định tạo bước ngoặt lịch sử, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 55 ngày, đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!