Ký ức một thời khói lửa

Trong những ngày cuối tháng 4, tôi may mắn được cùng các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ về thăm lại chiến trường xưa. Trong hành trình, tôi được nghe những câu chuyện về một thời oanh liệt, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Giọng nữ
Các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hào hứng khi được trở lại thăm chiến trường xưa.

Cuộc chiến trên đèo Pha Đin

6 giờ 30 phút ngày 16/4, chiếc xe chở 28 đại biểu là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm, hiện đang sinh sống trên địa bàn tỉnh, xuất phát từ thành phố Sơn La dự buổi Gặp mặt, tri ân tại thành phố Điện Biên Phủ. Những người đã góp phần làm lên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại nay đã bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng khi được về với chiến trường xưa, ai cũng háo hức.

Đi được khoảng 1 giờ, chiếc xe dừng lại trên đỉnh đèo Pha Đin, ông Lương Văn Kỳ, nguyên chiến sĩ Đại đoàn 316, hiện nay đang cư trú tại huyện Mai Sơn, liền hỏi: Đèo Pha Đin này là con đường mới mở phải không? Khác xưa nhiều quá, đèo Pha Đin chúng tôi hành quân năm xưa cao lắm, tận trên đỉnh núi chứ không thoai thoải như thế này.

Ông Lương Văn Kỳ nhớ lại: Con đường hành quân ấy chúng tôi không bao giờ quên được. Ngày đó qua đây, dưới tán cây như một công trường lớn, các anh chị TNXP và dân công hỏa tuyến mở đường vào chiến dịch, người thì đào đất, người thì gánh hàng, đẩy xe đạp thồ, chở vũ khí, đạn dược phục vụ chiến dịch. Chúng tôi không thể quên âm thanh của tiếng dùi sắt đục vào đá, tiếng hò kéo pháo, xen lẫn với tiếng thở dốc của dân công và cả tiếng bom nổ do thực dân Pháp bắn phá…

Nhân viên y tế hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho các chiến sĩ Điện Biên năm xưa.

Nói đến đây, đôi mắt của người lính già rơm rớm nước, đôi môi run run kìm nén cảm xúc, niềm tiếc thương những đồng đội đã hy sinh. Lặng đi một lúc rồi ông Kỳ kể tiếp: Thời đó, khi nghe có tiếng máy bay địch là bộ đội, dân công và TNXP lại nhanh chóng tìm nơi ẩn nấp. Việc xử lý bom nổ chậm được TNXP và công binh đảm nhận, có khi chỉ vừa mới tiến lại gần thì quả bom đã phát nổ, nên nhiều người đã hy sinh.

Ông Lương Văn Kỳ (người đội mũ) chia sẻ những kỷ niệm trên đường hành quân qua đèo Pha Đin.

Đèo Pha Đin dài 32 km, được coi là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” ở vùng Tây Bắc. Vì vậy, chặng đường hành quân của Đại đoàn 316, trong đó có ông Lương Văn Kỳ, phải mất 2-3 ngày mới qua được cung đèo để tiến vào chiến trường.

70 năm sau ngày chiến thắng, trở lại cung đèo huyền thoại này, ông Lương Văn Kỳ vẫn rất bồi hồi, nhớ về thời mà ông và đồng đội phải trải qua biết bao gian nguy, sự sống và cái chết luôn cận kề, vậy mà, tiếng nói, tiếng cười của bộ đội, của TNXP và của dân công hỏa tuyến không lúc nào dứt, luôn át tiếng bom và tràn đầy niềm tin tất thắng. Hôm nay, tất cả ký ức đó lại ùa về, vẹn nguyên trong tâm trí ông.

Nhớ mãi tiếng "Hò kéo pháo"

Rời đèo Pha Đin, chiếc xe tiếp tục di chuyển đến huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, rẽ theo quốc lộ 279 hơn 1 giờ đến Tượng đài kéo pháo, tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Ông Lê Công Bỉnh, ở xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, nguyên là chiến sĩ Đại đội DKZ, Đại đoàn 312, kể: Ngày đó, đường đất trơn trượt, mỗi khẩu pháo nặng 2 tấn, bộ đội ta kéo pháo hoàn toàn bằng sức người trong điều kiện vượt dốc núi cheo leo và máy bay địch gầm rít trên đầu.

Ông Bỉnh dừng lại vài phút như để hồi tưởng về những vất vả thời đó, rồi tiếp tục: Khẩu pháo nặng 2 tấn, để kéo pháo vào trận địa, bộ đội đã buộc hai dây chão lớn vào hai càng pháo, mỗi dây hàng chục người, kéo pháo nhích tức chút một. Để tạo thành khối thống nhất và sức mạnh tổng hợp để kéo được pháo, Chỉ huy đại đội đếm nhịp, còn chúng tôi cùng đồng thanh hô: "kéo". Cứ như vậy, chúng tôi chiến thắng đèo cao, vực thẳm, đưa pháo vào chiến trường.

Bức tranh tường tái hiện cảnh kéo pháo vào trận địa tại Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Kéo pháo bằng sức người vào trận địa là việc chưa có tiền lệ trong lịch sử thế giới. Chặng đường kéo pháo đó có một đoạn chạy từ rừng Nà Nham qua đỉnh Pha Sông cao 1.150m rồi xuống xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên. Chặng này dài 15km, bộ đội ta phải hoàn thành trong 20 giờ đồng hồ, tuy sức người có hạn, nhưng với khí thế “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, bộ đội ta đã hoàn thành tiến độ thời gian mà Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đề ra. Sau khi chuyển phương án: “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ lệnh kéo toàn bộ pháo đã vào trận địa trở về vị trí tập kết. Đó là một quyết định đã đi vào lịch sử, góp phần đưa chiến dịch đi đến toàn thắng.

Ông Bỉnh chia sẻ tiếp: Để đưa được pháo vào trận địa, bộ đội ta đã tốn rất nhiều công sức và cả xương máu, nhưng “quân lệnh như sơn”, anh em chiến sĩ đã chấp hành nghiêm túc. Đại tướng Lê Trọng Tấn lúc bấy giờ là Đại đoàn trưởng của chúng tôi, rất thương anh em, đã xuống từng tiểu đội để động viên. Ông bảo, chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng cấp trên, anh em cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ. Vậy là ngày hôm sau, đơn vị lại kéo pháo ra vị trí tập kết cho đến khi có lệnh mới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La.

Ông Bỉnh tiếp lời: Sau khi kéo pháo từ vị trí tập kết trở lại trận địa, quân ta đã đào hầm trú cho pháo ở nhiều vị trí theo phương châm “Hỏa khí phân tán, hỏa lực tập trung”. Pháo binh của ta cũng như các đại đội DKZ của ta bắn rất chính xác, pháo binh địch không hề biết vị trí chính xác của pháo ta bắn ra. Đại đoàn 312 đã đánh nhiều trận trong chiến dịch. Trong đó, Đại đội súng DKZ của tôi cũng tham gia các trận tại cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bản Kéo và sân bay Mường Thanh và đã lập công tiêu diệt nhiều lô cốt của địch để cho bộ đội tiến lên phía trước.

Tưởng nhớ người đồng đội Anh hùng

Sau 4 giờ đồng hồ, chiếc xe chở chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đến thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên và tham dự lễ dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1. Sau Lễ dâng hương được tổ chức trang trọng, những người lính năm xưa đã đến thắp nén nhang cho những người đồng đội nằm lại chiến trường.

Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La dự lễ dâng hương các anh hùng, liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1.

Trong đoàn dâng hương, chúng tôi thấy có một người lính trong Đoàn đại biểu tỉnh Sơn La dừng lại rất lâu trước phần mộ của Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót - người đã lấy thân mình lấp lỗ châu mai, chặn pháo địch cho đồng đội tiến lên chiến đấu và chiến thắng trận đầu tiên tại cứ điểm Him Lam. Đứng trước ngôi mộ, người lính già thực hiện nghi thức chào điều lệnh, gương mặt vô cùng xúc động, nước mắt lăn dài trên đôi má hằn sâu những nếp nhăn. Đó là ông Nguyễn Quốc Toản, phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La, nguyên là chiến sĩ Đại đoàn 312 tham gia trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tôi đến bên ông hỏi chuyện, ông Toản nghẹn ngào: Chiều ngày 13/3/1954, theo lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại đoàn 312 nhận nhiệm vụ đánh trận mở màn. Cứ điểm Him Lam được bố trí những ụ súng, lô cốt phòng thủ từ trên cao bắn xuống làm bộ đội ta hy sinh rất nhiều. Anh Giót khi đó đã bị thương khá nặng, nhưng anh vẫn gắng hết sức dùng cả thân mình bịt chặt lỗ châu mai, nhờ vậy, bộ đội ta đã xung phong tiến lên tiêu diệt cứ điểm này.

Thắp hương tri ân những người đồng đội đã nằm lại chiến trường Điện Biên Phủ.

Những câu chuyện, hoài niệm của những người cựu chiến binh về một thời hào hùng đã cho chúng tôi - thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về truyền thống yêu nước của quân và dân Việt Nam, về tinh thần quả cảm, không tiếc máu xương, tuổi thanh xuân của vì độc lập, tự do của dân tộc. Chúng tôi nguyện phấn đấu học tập, rèn luyện, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống cách mạng và sự hy sinh cao cả của thế hệ cha, ông.

Bài, ảnh: Khải Hoàn (Ghi theo lời kể các nhân vật)
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới