Những ngày tháng Tư lịch sử, cả nước tưng bừng các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chúng tôi may mắn được cựu chiến binh Cà Văn Hợp, bản Nà Xa, xã Phổng Ly, huyện Thuận Châu, chia sẻ ký ức hào hùng về đại thắng mùa Xuân năm 1975 của dân tộc.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi nhắc đến khoảng thời gian trong quân ngũ, ánh mắt ông Hợp lại rưng rưng. Ông Hợp kể: Tháng 10/1971, tôi mới 20 tuổi, nhận lệnh lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Sau 3 tháng huấn luyện, đầu năm 1972, chúng tôi sang chiến trường Lào (chiến trường C). Năm 1974, đơn vị được lệnh rút về nước và đóng quân huấn luyện tại Nghệ An. Đầu năm 1975, chúng tôi nhận lệnh hành quân vào chiến trường miền Nam, vượt qua hàng ngàn cây số. Sau đó, tập kết tại thị xã Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk để tham gia chiến dịch Tây Nguyên. Khi đó, tôi là Tiểu đội trưởng, Tiểu đội 2, Trung đoàn 174, Sư đoàn 316.
Giọng ông Hợp sôi nổi: Ngày 10/3/1975, trong trận đánh then chốt ở Buôn Mê Thuột, mở màn chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt quan trọng, làm thay đổi cục diện chiến trường, để Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, Tiểu đoàn 2 của chúng tôi cùng nhiều tiểu đoàn khác đã nổ súng, tiến công đánh vào kho vũ khí Mai Hắc Đế, thị xã Buôn Mê Thuột.
Vinh dự, tự hào được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tôi cùng đồng đội tiến công căn cứ Đồng Dù, Củ Chi, tạo điều kiện để các đơn vị khác đánh vào nội đô Sài Gòn. Đến chiều ngày 30/4, khi chúng tôi chuẩn bị tiến vào cửa ngõ Sài Gòn thì nghe tin Sài Gòn-Gia Định hoàn toàn được giải phóng, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Nhận tin chiến thắng, không chỉ bộ đội ta hân hoan, mà đồng bào ai ai cũng hồ hởi, phấn khởi, ôm lấy nhau khóc trong niềm hạnh phúc.
Ngày sau đó, Trung đoàn của chúng tôi được lệnh rút về căn cứ Lai Khê, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Dọc hai bên đường, người dân đứng chật kín, tay vẫy cờ, cầm hoa chào đón đoàn. Trong giây phút đó, chúng tôi không kìm được nước mắt khi nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, không được chứng kiến thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc.
Ông Hợp chia sẻ: Là người lính cụ Hồ, dù có phải trải qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ, kể cả phải hy sinh tính mạng cũng không khuất phục, luôn kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những ngày đó, địch liên tục ném bom đánh phá, cản đường, rất nhiều đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh. Người trước ngã xuống, người sau lại tiếp tục xông lên làm nhiệm vụ. Sự hy sinh của đồng đội càng tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi vượt qua gian nan, thử thách.
Trải qua nhiều trận chiến ác liệt, cam go, cuối năm 1976, ông Hợp xuất ngũ trở về địa phương công tác, giữ các chức vụ Bí thư đoàn xã, Xã đội trưởng, Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư đảng ủy xã. Năm 2006, ông nghỉ hưu theo chế độ.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng có biết bao thế hệ người lính đã hy sinh xương máu cho dân tộc. Những ngày này, các phương tiện thông tin đại chúng đưa nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm ngày đất nước giải phóng. Ông Hợp mong muốn, thế hệ con cháu sau này sẽ giữ mãi hào khí của dân tộc, ghi nhớ những trang sử hào hùng của đất nước, nhớ công ơn của thế hệ cha ông để góp trí và lực xây dựng Tổ quốc. Với bản thân, ông luôn đau đáu được trở lại chiến trường xưa, thắp nén hương tưởng nhớ những đồng đội đã anh dũng hy sinh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!